Tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế: 5 đột phá chiến lược
(Tài chính) Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề xây dựng kinh tế độc lập tự chủ càng được đặt ra một cách bức thiết. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 và 8 tháng năm 2014 vừa qua, cùng với yêu cầu quyết liệt các giải pháp nhằm đạt được kế hoạch 4 tháng còn lại của năm và cả năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng dự kiến mục tiêu tăng trưởng năm 2015 với GDP 6,2%, kiểm soát lạm phát ở mức 5%. Tăng cường tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế để tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường là mục tiêu trọng tâm trong bối cảnh hiện nay.
Theo TS. Trần Du Lịch, Việt Nam đang đứng trước thử thách rất lớn là đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ một nền công nghiệp gia công, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu của nước ngoài. Song hành với đó là một nền xuất khẩu nông sản thô, giá trị còn thấp, và đang nỗ lực tham gia vào những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chưa xây dựng được thương hiệu với những sản phẩm mang tính đặc thù của Việt Nam trong cạnh tranh. Đó là những vấn đề đặt ra rất gay gắt trong tình hình hiện nay cần phải gỡ bỏ ngay.
Tự chủ, tự cường, chủ động trong một nền kinh tế tuy đã bắt đầu có xuất siêu nhưng còn phải nhập siêu rất lớn, trung bình từ 40% đến hơn 70% nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành điện tử, dệt may, da giầy, chế biến gỗ… đa số chuyên gia, nhà phân tích đều nhận định, khâu đột phá thứ 2 - hết sức quan trọng đối với tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay - là tái cơ cấu lại từng ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, lấy trọng tâm tái cấu trúc ngành nông nghiệp, từ lợi thế sẵn có của một đất nước nông nghiệp nhiệt đới để phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chế biến đang có thế mạnh xuất khẩu.
Phải đổi mới về tư duy kinh tế để phát triển công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở của một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, từ nguồn khoáng sản, đất đai và tài nguyên biển. Với lợi thế của một đất nước có hơn 3.200km bờ biển và cùng với đó là hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam cần đầu tư đúng mức cho kinh tế biển với các chương trình hành động cụ thể. Từ khai thác dầu, khí đến các nguồn lợi thủy hải sản... Phải quy hoạch một cách khoa học và tuân thủ thực hiện quy hoạch từ cấp vĩ mô, tổng thể đến xây dựng có trọng tâm, trọng điểm từng ngành nghề, lĩnh vực sản phẩm. Trên cơ sở đó, đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng là yêu cầu đặt ra trong tự chủ kinh tế.
Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trương Văn Vở, để thấy được sức khỏe, thực lực của nền kinh tế, để chủ động phát triển một cách bền vững - khâu đột phá chiến lược thứ 3 trong công tác tái cấu trúc nền kinh tế ở cấp vĩ mô, vô cùng quan trọng - chính là cơ cấu lại nợ công và kiểm soát nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Chỉ khi tự chủ với nguồn lực tài chính, mới bảo đảm hoạch định chính sách và chủ động trong đầu tư phát triển. Do đó, phải đặt việc phân bổ nguồn lực phục vụ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nên có trọng tâm trọng điểm.
Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đức Thành, nói đến tự chủ, tự cường trong nền kinh tế hội nhập cạnh tranh với thế giới, Việt Nam không có con đường nào khác là phải xây dựng một nền kinh tế thị trường thực thụ. Ở đó, có sự cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở của pháp luật được thực thi một cách bài bản. Và đây có thể coi là bước đi đột phá trong một xu thế tất yếu, trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế mạnh mẽ đang được thực hiện.
Cuối cùng, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ đã đặt trọng tâm tái cơ cấu nhanh và có hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong công tác tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế là vô cùng đúng đắn và cấp thiết. Theo đó, cần quyết liệt đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành để làm lành mạnh hóa các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nói riêng, hơn 560 nghìn doanh nghiệp nói chung. Bởi thời gian qua, một khối lượng vốn khổng lồ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng được các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính không có hiệu quả. Công tác quản lý đồng vốn kém hiệu quả, gây thất thoát ở rất nhiều khâu trong khối doanh nghiệp nhà nước.