Tài chính cho giáo dục đại học: Những vấn đề đặt ra

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 – Tháng 12/2019

Tự chủ là xu hướng tất yếu của các trường đại học công lập. Chính phủ xác định, đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội và tự chủ đại học gồm có 4 trụ cột chính, trong đó, tự chủ tài chính đóng vai trò nền tảng để thực hiện hiệu quả và bền vững các nội dung tự chủ về bộ máy, nhân sự và học thuật. Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề tài chính cho giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay đang có những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện trong thời gian tới.

Tự chủ là xu hướng tất yếu của các trường đại học công lập.
Tự chủ là xu hướng tất yếu của các trường đại học công lập.

Các nguồn tài chính cho giáo dục đại học công lập ở Việt Nam

Với việc ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014-2017 và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), Chính phủ xác định cơ chế tự chủ đại học là xu hướng tất yếu của các trường đại học công lập (ĐHCL). Theo đó, đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội và tự chủ đại học gồm có 4 trụ cột chính gồm: Tự chủ về tổ chức bộ máy; tự chủ về nhân sự; tự chủ về tài chính và tự chủ về học thuật. Trong đó, tự chủ tài chính đóng vai trò nền tảng để thực hiện hiệu quả và bền vững các nội dung tự chủ về bộ máy, nhân sự và học thuật.

Nguồn lực tài chính cho giáo dục đại học (GDĐH) công lập ở Việt Nam được hình thành từ nhiều nguồn gồm: ngân sách nhà nước (NSNN) và thu hợp pháp của các cơ sở GDĐH. Theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, nguồn tài chính của các trường ĐHCL và cách thức huy động của từng nguồn hiện nay là: (i) Nguồn NSNN cấp; (ii) Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công; (iii) Nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại chi theo quy định; (iv) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; (v) Nguồn tài chính có từ những giao dịch tài chính của các trường ĐHCL theo quy định của pháp luật (vốn vay, vốn huy động, lãi tiền gửi ngân hàng…); (vi) Nguồn viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật; (vii) Nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

Theo số liệu thống kê, cả nước có 170 trường đại học công lập (không bao gồm các trường đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng); trong đó có 18 trường thuộc UBND các tỉnh, thành phố và 152 trường thuộc các Bộ, cơ quan trung ương. Giai đoạn 2013-2018, ước tính ngân sách nhà nước chi khoảng 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục – đào tạo, trong đó khoảng 172.905 tỷ đồng cho giáo dục đại học.

Nguồn NSNN cho GDĐH là các khoản chi NSNN cho các cơ sở GDĐH công lập. Ngoài ra, một phần NSNN chi cho GDĐH để thực hiện chính sách, chế độ của Nhà nước đối với sinh viên học tập tại các cơ sở GDĐH ngoài công lập. Trong giai đoạn 2013 - 2018, ước tính NSNN chi khoảng 1.120.355 tỷ đồng cho giáo dục – đào tạo, đạt khoảng 172.905 tỷ đồng cho GDĐH (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho các trường ĐHCL và một phần NSNN chi thường xuyên để thực hiện chính sách, chế độ của Nhà nước đối với sinh viên học tập trong các trường đại học ngoài công lập chủ yếu là chính sách đối với học sinh, sinh viên là con em gia đình có công với cách mạng, gia đình thuộc diện chính sách; học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số rất ít người...).

Cơ chế tài chính (gồm chi NSNN cho GDĐH; phương pháp phân bổ NSNN cho GDĐH) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị SNCL; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL, trong đó có cơ sở GDĐH công lập. Về cơ chế quản lý chi NSNN cho GDĐH (chi đầu tư và chi thường xuyên và phương pháp phân bổ NSNN cho GDĐH): Thực hiện theo quy định chung của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Nguồn thu hợp pháp của các cơ sở GDĐH (công lập và ngoài công lập) bao gồm thu học phí; các khoản thu hợp pháp theo quy định của pháp luật; nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định của pháp luật.

Những vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, tài chính cho GDĐH ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại một số hạn chế sau:

Thứ nhất, nguồn tài chính cho GDĐH còn hạn hẹp, chưa được đa dạng hóa. Các cơ sở GDĐH chưa chủ động về nguồn thu, chủ yếu dựa vào nguồn NSNN và thu từ học phí (đối với cơ sở GDĐH công lập) và nguồn thu từ học phí (đối với cơ sở GDĐH ngoài công lập); nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ còn hạn chế.

Đối với nguồn NSNN chi cho GDĐH: Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), giai đoạn 2013-2016 NSNN chi cho giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), trong đó có GDĐH đã cơ bản đảm bảo mức 20% tổng chi NSNN. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan như: (i) Tổng chi NSNN là hữu hạn nên tổng chi NSNN cho GD-ĐT (20% tổng chi NSNN); (ii) Quy mô của giáo dục phổ thông lớn (số lượng cơ sở giáo dục phổ thông (trường, lớp), số lượng giáo viên, học sinh...) nên chi NSNN cho giáo dục phổ thông chiếm tỷ trọng lớn; (iii) GDĐH có điều kiện để tự chủ tài chính cao hơn...) nên mức chi của NSNN cho GDĐH hạn chế hơn. Điều này về cơ bản phù hợp với thực tế hoạt động của lĩnh vực GD-ĐT, phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với GDĐH trong đó có tự chủ về tài chính. Học phí của các cơ sở GDĐH (công lập, ngoài công lập) nhìn chung còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội thực tế nên chưa đạt kết quả cao; về nguyên tắc các cơ sở GDĐH công lập thu học phí theo khung học phí do Nhà nước quy định. Mức học phí chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, các bậc đào tạo.

Thứ hai, cơ chế tài chính cho GDĐH (gồm chi NSNN cho GDĐH; phương pháp phân bổ NSNN cho GDĐH) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP còn mang tính bình quân, dựa trên khả năng của NSNN và các yếu tố đầu vào khác (quy mô, số lượng sinh viên; số lượng nhân viên; lịch sử phân bổ NSNN các năm trước...), chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra hoặc các chính sách về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Việc phân bổ NSNN cho các GDĐH công lập thông qua cơ quan chủ quản khác nhau (các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh), dẫn đến còn có sự chưa thống nhất về tiêu chí phân bổ, chưa thực sự công bằng trong việc thụ hưởng NSNN.

Thứ ba, Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, rõ ràng về sử dụng NSNN, sử dụng tài sản của các cơ sở GDĐH (Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công... và các văn bản hướng dẫn). Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các cơ sở giáo dục vẫn còn phát sinh vướng mắc, dẫn đến văn bản luật chưa đi vào cuộc sống, làm hạn chế việc sử dụng vốn, tài sản vào các hoạt động liên doanh, liên kết phục vụ nhiệm vụ đào tạo, chưa mang lại nguồn thu cho các cơ sở GDĐH.

Thứ tư, thực tế cho thấy, phương án tài chính của một số cơ sở GDĐH (công lập và ngoài công lập) chưa thực sự phù hợp; trong những giai đoạn nhất định, một số cơ sở GDĐH tập trung nhiều vào mục tiêu tăng thu nhập cho người lao động, mà chưa thực sự đầu tư cho tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và học tập.

Một số kiến nghị, đề xuất

Đề khắc phục những hạn chế còn tồn tại, thời gian tới cần tập trung triển khai một số nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị SNCL, NSNN chi cho GD-ĐT cần bảo đảm mục tiêu “Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi NSNN cho giáo dục, đào tạo”, trong đó có chi NSNN cho GDĐH, “Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường ĐHCL ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế”. Các bộ, ngành chức năng có liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các chính sách vĩ mô về chi NSNN cho GD-ĐT và GDĐH, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển GD-ĐT và GDĐH, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với pháp luật hiện hành.

Cơ chế tài chính cho giáo dục đại học (gồm chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học; phương pháp phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học) thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ còn mang tính bình quân, dựa trên khả năng của ngân sách nhà nước và các yếu tố đầu vào khác, chưa gắn với tiêu chí chất lượng và kết quả đầu ra hoặc các chính sách về đấu thầu, đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công...

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương (cơ quan chủ quản của các cơ sở GDĐH công lập) thực hiện tốt nhiệm vụ được quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục – đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học. Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục”. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần cơ cấu lại chi NSNN cho GDĐH, NSNN sẽ được chi cho số lượng cơ sở GDĐH đã được cơ cấu lại, tập trung cho các cơ sở GDĐH có chất lượng cao và một số cơ sở GDĐH có tính chất đặc thù thông qua các phương thức chi mới như đặt hàng, đấu thầu, tránh việc chi NSNN cho những cơ sở GDĐH hoạt động không hiệu quả, hoặc cho những cơ sở GDĐH không cần thiết phải duy trì hoạt động, bao gồm cả những trường sư phạm thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên.

Thứ ba, các bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu để từng bước giải quyết các vấn đề bất cập về học phí trong các cơ sở GDĐH, đảm bảo lợi ích của cơ sở GDĐH, nhưng phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất để thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người học, ví dụ chính sách về tín dụng đào tạo, chính sách học bổng, chính sách miễn, giảm học phí đối với đối tượng chính sách...

Thứ tư, các cơ sở GDĐH công lập cần xác định tự chủ về tài chính gắn với tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự; tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là tiền đề để tạo nguồn thu, làm cơ sở cho việc thực hiện tự chủ tài chính. Ngược lại, từ việc tự chủ về tài chính tạo cơ sở cho việc tự chủ về chuyên môn và tổ chức bộ máy có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Các cơ sở GDĐH (công lập và ngoài công lập) cần chủ động trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tài chính theo hướng tự chủ nguồn thu, nhiệm vụ chi, tránh tình trạng cơ sở GDĐH công lập trông chờ vào nguồn NSNN. Việc chủ động về nguồn tài chính cần thiết phải được phối hợp hài hòa trong mối quan hệ giữa tự chủ nhiệm vụ chuyên môn (xác định nghành nghề đào tạo, xác định quy mô tuyển sinh), tự chủ bộ máy (tuyển dụng nhân sự).

Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Nhà nước về tín dụng, về đầu tư, các chính sách xã hội hóa, các cơ sở GDĐH cần tự chủ trong việc huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội, liên doanh liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, hướng tới mục tiêu đa dạng và lành mạnh hóa nguồn tài chính cho GDĐH.

Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII);
2. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI);
3. Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021;
4. Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017;
5. Báo cáo số 1299/BC-UBVHGDTTN14 ngày 18/5/2018 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về Kết quả giám sát việc thực hiện Luật Giáo dục Đại học;
6. Báo cáo số 370/BC-BGDĐT ngày 31/5/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
7. Tài liệu hội thảo “Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập – Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, Hà Nội, tháng 3/2019;
8. John Fielden, Global trends in university governance, World Bank, 2008.