6 hướng lựa chọn nếu không đi làm sau tốt nghiệp

Theo Quang Vũ/ttvn.vn

Sau khi rời ghế giảng đường, bạn có thể tìm ngay cho mình một công việc chính thức để có thể nuôi sống bản thân và thực hiện đam mê của bản thân. Nếu chưa tự tin hoặc chưa muốn đi làm ngay thì bạn cũng có rất nhiều lựa chọn để thực hiện nhằm nâng cao kiến thức, vốn sống để có nhiều thuận lợi hơn trong tương lai.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hãy cùng tham khảo 6 lựa chọn thú vị mà bạn có thể thực hiện sau đây nhé!

Tiếp tục sự nghiệp học hành

Sau khi tốt nghiệp đại học, không ít bạn lựa chọn tiếp tục phát triển lên học vị cao hơn để trở thành giảng viên, hoặc đơn giản là để nâng cao cơ hội tìm việc làm. Một số bạn khác lại lựa chọn văn bằng hai để bổ sung cho ngành chính – chẳng hạn sinh viên báo chí thường học thêm ngành Luật, hoặc đôi lúc là vì muốn chuyển sang một lĩnh vực khác để dễ dàng xin việc hơn.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink, bạn nên cân nhắc quyết định lựa chọn này, bởi nó sẽ "ngốn" kha khá thời gian và cũng yêu cầu bạn phải chuẩn bị được một khoản tiền để đóng học phí. Nếu chưa đủ điều kiện, bạn có thể gác lại vài năm để tìm một công việc, sau đó tiếp tục vừa học vừa làm để theo đuổi mục tiêu của mình.

Đầu tư thêm về mặt ngoại ngữ

Giỏi ngoại ngữ đem đến cho bạn nhiều lợi thế như có nhiều cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt là làm việc ở các công ty đa quốc gia, giúp bạn đọc được tài liệu, sách báo bằng tiếng nước ngoài và giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống. Do đó, bạn có thể tận dụng thời gian sau khi tốt nghiệp để nâng cao vốn tiếng Anh, hoặc mở rộng thêm ngôn ngữ phổ biến khác như tiếng Nhật, Pháp... Tất nhiên, với điều kiện bạn có khoản tiền dành dụm để chi phí cho việc học thêm này.

Đầu tư vào đam mê

Không ít trường hợp các bạn trẻ thi vào một trường đại học nào đó vì chạy theo trào lưu, vì áp lực từ gia đình, hoặc thậm chí là do chưa có định hướng rõ ràng. Nếu bạn là một trong số họ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở giảng đường đại học, bạn có thể tranh thủ thời gian này để được trở lại sống với đam mê của mình như chơi nhạc, vẽ tranh, viết văn, hoặc làm đồ handmade…

Có thể với sự kết hợp giữa đam mê và kiến thức nền tích lũy được từ giảng đường đại học, bạn sẽ trở thành chủ của một cửa hàng chuyên bán đồ thủ công, một người viết lách tự do hay một họa sỹ thiết kế…

Thực hiện các chuyến đi khám phá

Nếu bạn là người theo "chủ nghĩa xê dịch" thì đi du lịch sau tốt nghiệp là một ý tưởng đáng để lựa chọn. Hãy cân nhắc hành trình và điểm đến cũng những vấn đề liên quan, đặc biệt là chi phí ăn ở, đi lại. Bạn có thể chọn hình thức du lịch "phượt" để có những trải nghiệm đáng nhớ, cũng như trau dồi thêm kỹ năng sống.

Thông qua chuyến hành trình, bạn không những tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc sống, mở rộng quan hệ, mà còn có khả năng tìm được một công việc phù hợp với sở thích. Bạn có thể nghĩ đến việc viết blog du lịch, hoặc phát triển ý tưởng kinh doanh một sản phẩm địa phương chất lượng tốt nhưng chưa được biết đến nhiều…

Tham gia các hoạt động thiện nguyện

Bên cạnh tính nhân văn, mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội, hoạt động thiện nguyện còn giúp bạn tìm thấy niềm vui lành mạnh trong cuộc sống. Thực tế không ít bạn trẻ ngành sư phạm dành cả một năm sau tốt nghiệp để tham gia hành trình dạy học phi lợi nhuận vùng cao.

Với những bạn có xu hướng thích làm công việc thiện nguyện, chăm sóc, phục vụ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đây có thể là khởi đầu thuận lợi để bạn tăng cơ hội có được một công việc phù hợp ở các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ.

Tự kinh doanh

Có lẽ bạn có một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời hoặc tin rằng luận văn tốt nghiệp của bạn có tiềm năng thương mại. Nếu vậy, việc đưa các kỹ năng kinh doanh của bạn vào thử nghiệm có thể là một bước đi thông minh. Tuy nhiên, bạn cần chắc chắn rằng quyết định này là phù hợp với bạn. Trở thành ông chủ của chính mình nghe có vẻ hấp dẫn nhưng bạn sẽ cần phải thực hiện một số trách nhiệm như cung cấp dịch vụ, tiếp thị cho doanh nghiệp và quản lý tài chính và nhân viên. Bạn cũng sẽ phải làm việc để tìm kiếm khách hàng và đối phó với rất nhiều sự cố có thể xảy ra. Tự làm chủ cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của bạn khi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân trở nên mờ nhạt.