Cần nhiều kênh để tiêu thụ nông sản sạch cho nông dân

Theo Hồng Đăng/Báo Khánh Hòa

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nông sản trong tỉnh Khánh Hòa gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, các loại nông sản an toàn có nhiều kênh, cơ hội tiêu thụ hơn so với các nông sản thông thường.

Một số nông sản VietGAP của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh:  Hồng Đăng
Một số nông sản VietGAP của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hồng Đăng

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản VietGAP

Do dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ nông sản suy giảm, nhất là xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, các nông sản VietGAP của tỉnh Khánh Hòa ít chịu tác động hơn nhờ tiếp cận được nhiều kênh tiêu thụ. Trong đó, số lượng đáng kể nông sản VietGAP đã được tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và một số doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ.

Chẳng hạn, vụ xoài vừa qua, xoài tươi VietGAP đã được Công ty Thabico Tây Ninh thu mua 100 tấn; Công ty TNHH Khánh Hòa Food thu mua 49 tấn để xuất sang thị trường UAE, Úc; siêu thị Co.opmart Nha Trang hỗ trợ tiêu thụ khoảng 17 tấn; Công ty Cổ phần Thủy sản sinh học Vina tiêu thụ 10 tấn… Điều này góp phần giảm bớt thiệt hại cho người trồng xoài khi giá xoài chạm đáy, khiến người trồng thua lỗ.

Với bưởi da xanh, thời điểm tháng 2, tháng 3 năm nay, giá thu mua bưởi tại vườn chỉ 18.000 - 20.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trung bình nhiều năm, tình hình tiêu thụ chậm hơn nhiều so với các năm trước. Hội Nông dân tỉnh đã triển khai chương trình “Hỗ trợ tiêu thụ bưởi da xanh, chia sẻ khó khăn với nông dân huyện Khánh Vĩnh”; sau 3 ngày, bán được hơn 20 tấn.

Điều dễ nhận thấy đó là việc liên kết, hỗ trợ tiêu thụ xoài, bưởi nêu trên chủ yếu diễn ra ở những diện tích đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây cũng là đòi hỏi gần như là bắt buộc trước khi ngồi vào bàn đàm phán ký kết hợp tác, tiêu thụ giữa các tổ chức đại diện cho nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản.

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông, thủy sản, đặc biệt là những sản phẩm được chứng nhận VietGAP. Sở cũng phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp 17 mã số vùng trồng, 1 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu nông sản sang các thị trường: Trung Quốc, Úc, New Zealand, Mỹ… Phần lớn các thị trường này đòi hỏi nông sản nhập khẩu phải được sản xuất, thu hoạch, đóng gói, phân phối theo quy trình an toàn, chất lượng, trong đó quy trình trồng, chăm sóc theo chuẩn VietGAP là cơ bản.

Nhân rộng chuỗi nông sản an toàn

Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, tỉnh Khánh Hòa đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thành công 9 mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn theo VietGAP. UBND tỉnh cũng đã thông qua Đề án nhân rộng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông thủy sản Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 với những mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các nông sản tiêu biểu VietGAP; kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đầu tư sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm hoàn thiện chuỗi cung ứng và tăng hàm lượng chế biến nông sản.

Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân mở các điểm kinh doanh nông sản; hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất, lưu thông qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa .

Đồng thời, đẩy mạnh việc xây dựng dữ liệu, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số cơ sở nuôi trồng thủy sản để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Với các nông sản sắp thu hoạch, sở sẽ xúc tiến vận động các đơn vị bán lẻ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn liên kết, tiêu thụ. Ngoài ra, sở sẽ xây dựng, triển khai quy trình sản xuất, thu hoạch và vận chuyển nông sản bảo đảm an toàn dịch Covid-19.

Đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 200ha xoài, hơn 100ha bưởi, gần 290ha sầu riêng, hơn 28ha tỏi, 2.400 ô lồng tôm hùm, 87ha tôm thẻ chân trắng và gần 9ha ốc hương được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm, toàn tỉnh Khánh Hòa sản xuất khoảng 3.750 tấn sầu riêng, 39.000 tấn xoài, gần 1.800 tấn bưởi, khoảng 1.239 tấn tôm hùm, hơn 2.000 tấn ốc hương, gần 3.000 tấn tôm thẻ, hơn 6.000 tấn cá nuôi đìa, nuôi biển… Đây là những nông sản chủ lực của địa phương.