Giữ giá lương thực thực phẩm ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Theo Thanh Thanh - Hà Duyên/Congthuong.vn

Giá rau củ quả, thực phẩm hôm nay 13/7 tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giữ ổn định ở nhiều mặt hàng. Thành phố đang cùng các tỉnh thành tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo chống dịch để cho hoạt động lưu thông hàng hóa từ các tỉnh thành về thành phố được thông suốt, nhanh chóng.

TP. Hồ Chí Minh: Một số mặt hàng có xu hướng giảm giá nhẹ

Tại TP. Hồ Chí Minh, giá rau cải xanh, cải ngọt 25.000 đồng/kg bằng giá ngày hôm qua, rau mùng tơi 22.000 đồng/kg, bắp cải trắng 25.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg, cà chua Đà Lạt 30.000 đồng/kg, rau muống 20.000 đồng/kg, cải thìa 20.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 30.000 đồng/kg, củ cải trắng 30.000 đồng/kg, hành lá 30.000 đồng/kg, xu hào 30.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg, hành tây 30.000 đồng/kg...

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá một số mặt hàng cũng có xu hướng giảm giá nhẹ. Cụ thể, rau xà lách 18.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg, rau muống 18.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg, rau mùng tơi 20.000 đồng/kg, đậu ve 28.000 đồng/kg, đậu đũa 20.000 đồng/kg, cà tím 18.000 đồng/kg, nấm rơm 100.000 đồng/kg, bí đao 18.000 đồng/kg, bầu 24.000 đồng/kg, đậu bắp 18.000 đồng/kg, khoai môn 30.000 đồng/kg, gừng 35.000 đồng/kg,

TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng các tỉnh thành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch
TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng các tỉnh thành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo an toàn chống dịch

Giá thủy hải sản tại các siêu thị ổn định. Tôm càng xanh 260.000 đồng/kg, cá rô phi 35.000 đồng/kg, cá điêu hồng 45.000 đồng/kg, lươn loại 1 giá 240.000 đồng/kg, lươn loại 2 giá 180.000 đồng/kg, ếch nuôi giá 55.000 đồng/kg.

Từ khi TP. Hồ Chí Mimh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 cho đến nay, việc kết nối với các nhà cung cấp nông sản tại Đà Lạt, Tây Nguyên, miền Tây gặp khó khăn do hạn chế lưu thông, tài xế cần giấy xét nghiệm Covid-19 làm cho giá thành nhiều mặt hàng tăng so với hai tuần trước.

Nhiều chủ hàng ở chợ đầu mối cho hay, giá bắp cải, su hào, bầu bí, dưa leo, khoai lang… hiện ở các tỉnh thành Tây Nguyên khá thấp, có loại chỉ vài ngàn đồng/kg nhưng không có cách nào đưa xuống TP. Hồ Chí Minh. Nếu có đưa xuống được thì giá thành cũng đội lên khoảng 30.000 đồng/kg. Việc vận chuyển hàng hóa quá khó khăn khiến giá nông sản tại vùng sản xuất rất rẻ nhưng tới tay người tiêu dùng khá cao.

Không chỉ nông sản tăng giá, DN kinh doanh trứng gia cầm cũng gặp khó do giá đầu vào tăng mạnh. Theo bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân, trứng gia cầm có thể trữ được lâu nên có hiện tượng nhiều người gom hàng, tích trữ khiến nguồn cung thiếu hụt cục bộ. Bên cạnh đó, những ngày đầu thực hiện giãn cách lượng khách mua trứng quá lớn, trong khi DN vận chuyển bị chốt chặn, kiểm soát giấy xét nghiệm làm thời gian giao hàng bị ảnh hưởng. Hơn nữa, thực hiện giãn cách xã hội nên DN cũng giãn cách sản xuất, phải cho công nhân làm xoay tua.

Mới đây TP. Hồ Chí Minh có văn bản hướng dẫn tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa vào thành phố.

Cụ thể là các xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản...) từ các tỉnh đến địa bàn TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Xe vận chuyển hàng hỏa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh đến địa bàn TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp...

Từ phía Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành sẽ tổng hợp, cung cấp danh sách xe vận chuyển hàng hóa, thực phẩm thiết yếu đi qua địa bàn thành phố cho Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh để cấp giấy nhận diện cho phương tiện, tạo luồng xanh cho các phương tiện ưu tiên.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Saigon Co.op, hiện Saigon Co.op đã được cấp giấy thông hành “luồng xanh” nên việc lưu thông cũng đã khá hơn cách đây vài ngày. Đồng thời, Saigon Co.op cũng đã thiết lập thêm các kho chứa hàng trong nội đô thành phố để lưu thông hàng hóa tốt hơn, thay vì chỉ đặt các kho hàng lớn ở các tỉnh thành lân cận. Hay tại Công ty Ba Huân, nếu như trước đây công ty giao trứng tận nơi cho siêu thị, nhưng hiện nay để tránh thêm chi phí qua các khâu trung gian, siêu thị trực tiếp đến DN lấy trứng. Nhờ vậy, tình hình lưu thông cung ứng trứng đến các siêu thị đã dần ổn định, nhanh chóng hơn.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Sở đã đề xuất tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất, thống nhất chỉ cần yêu cầu xét nghiệm nhanh và có hiệu lực lưu hành trong vòng 3 ngày nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa từ các nhà cung cấp liên tỉnh, nhà phân phối, nhà bán lẻ... được nhanh chóng, thông suốt góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa và giá cả ổn định.

Vĩnh Long: Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định

Hiện các hệ thống phân phối lớn, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều chủ động tăng nguồn hàng dự trữ, nhất là những mặt hàng thiết yếu với giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động lên các phương án phòng chống dịch bệnh và đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân. Tại các chợ truyền thống, việc buôn bán các mặt hàng tươi sống thiết yếu vẫn hoạt động nhưng hạn chế hơn trước, hàng hóa dồi dào, giá cả không biến động, người mua vắng hơn trước do vài ngày mới đi chợ một lần.

Mặt hàng vật tư y tế thiết yếu để phòng chống dịch Covid-19 ở các nhà thuốc như: khẩu trang y tế, nước sát khuẩn vẫn mua bán bình thường, giá cả hợp lý, hàng hóa đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng..

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn đều có nguồn dự trữ hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo ông Văn Quốc Hoàng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long, những ngày qua, lượng khách đến siêu thị không tăng nhiều, không có tình trạng người dân ồ ạt mua hàng dự trữ như trước đây. Hiện lượng hàng hóa tại siêu thị dồi dào, đa dạng, siêu thị cũng thường xuyên nhập hàng, đồng thời, có nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, siêu thị còn tăng lượng hàng hóa thiết yếu lên 10%, để phòng trường hợp sức mua tăng lên.

Cũng theo ông Hoàng, phương thức mua sắm của khách hàng cũng đã có thay đổi. Nếu như trước đây, khách chủ yếu trực tiếp đến siêu thị thì hai ngày qua số lượng đơn đặt hàng qua kênh bán hàng online của siêu thị như zalo, điện thoại đã tăng 5-10% so với trước.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trương Thanh Sử - Phó Giám đốc Sở Công Thương Vĩnh Long - cho biết: Những ngày qua các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đã chủ động phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. Mặc dù sức mua có tăng lên, song nguồn cung vẫn đảm bảo. Do đó, người dân không nên hoang mang, đổ xô đi mua sắm tích trữ, mà cần nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội.

“Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi cần tiếp tục duy trì và đảm bảo dự trữ hàng hóa thiết yếu theo kế hoạch của sở về việc đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh ứng phó với dịch Covid-19, phải chủ động nguồn hàng hóa, phân phối đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân”, ông Trương Thanh Sử khuyến cáo.

Bên cạnh đó, để phòng chống lây lan dịch bệnh tại chợ, siêu thị, Sở đã đề nghị UBND các huyện - thị - thành chỉ đạo đơn vị chức năng quản lý tổng hợp danh sách các tiểu thương và nhân viên tại các chợ, liên hệ đến trung tâm y tế các huyện, thành phố để tổ chức test nhanh kháng nguyên Covid-19. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương thực hiện giãn cách, tuân thủ chặt chẽ các giải pháp phòng chống dịch và thực hiện đầy đủ các biện pháp “5K” của Bộ Y tế.