IoT giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trong chuỗi cung ứng

Theo Lan Nguyễn/thitruongtaichinhtiente.vn

Ứng dụng các giải pháp Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) có thể mang đến cho các doanh nghiệp tầm nhìn bao quát hơn trên toàn chuỗi cung ứng và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ trao đổi thông tin tức thời theo thời gian thực

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong gần hai năm qua, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nặng nề đã xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Trong báo cáo "Chuỗi cung ứng thông minh trên nền tảng công nghệ Internet Vạn vật –  IoT" vừa công bố, HSBC cho rằng, hơn bao giờ hết, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của công nghệ để có cái nhìn tổng quan trên toàn chuỗi cung ứng, tiếp cận được dữ liệu theo thời gian thực để có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và duy trì tính linh hoạt trong những giai đoạn bất ổn. Và công nghệ IoT có thể đáp ứng nhu cầu này của doanh nghiệp.

Các giải pháp IoT hỗ trợ duy trì hoạt động xuyên suốt cho doanh nghiệp

"Chúng tôi kỳ vọng đại dịch COVID-19 sẽ là chất xúc tác thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đầu tư vào các công nghệ IoT như một giải pháp để đảm bảo duy trình vận hành xuyên suốt trong tình huống xảy ra cú sốc bên ngoài trong tương lai", báo cáo của HSBC viết và cho biết thêm: "IoT có thể giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí, cải thiện hiệu quả và tính linh hoạt trong toàn chuỗi cung ứng, từ sản xuất trong các nhà máy thông minh đến khâu vận chuyển trung gian và dịch vụ hậu mãi".

Theo đó, ứng dụng các giải pháp IoT có thể mang đến cho các doanh nghiệp tầm nhìn bao quát hơn trên toàn chuỗi cung ứng và tạo điều kiện cho các nhà sản xuất đưa ra quyết định nhanh chóng nhờ trao đổi thông tin tức thời theo thời gian thực.

Cụ thể, đại dịch COVID-19 càng cho thấy tầm quan trọng của việc tiếp cận những dự liệu như vậy. Khi nắm rõ hàng tồn kho nằm ở đâu, thời điểm nào hết linh kiện hoặc biết rõ vị trí chính xác của kiện hàng trong quá trình vận chuyển trên khắp thế giới tại bất kỳ thời điểm nào, các doanh nghiệp có thể có cái nhìn tổng quan tốt hơn về chuỗi cung ứng và có thể ứng phó linh hoạt với các gián đoạn sản xuất và thương mại trong tương lai.

Đại dịch càng nhấn mạnh tầm quan trọng của số hóaMột khảo sát gần đây của Inmarsat cho thấy hơn một nửa đối tượng tham gia khảo sát nói rằng những thách thức liên quan đến COVID-19 càng nhấn mạnh tầm quan trọng của IoT, trong khi đó, 47% đã thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án IoT nhằm ứng phó với đại dịch. Khảo sát này cũng cho thấy những doanh nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ triển khai IoT hoặc có chiến lược IoT có khả năng vượt qua đại dịch tốt hơn.

Một cuộc khảo sát với các doanh nghiệp sản xuất ở Bắc Mỹ cũng cho thấy, khoảng một nửa trong số họ đang cân nhắc triển khai nhà máy thông minh và 47% cân nhắc các giải pháp IoT nhằm chuẩn bị cho các gián đoạn hoạt động trong tương lai. Kết quả này càng được củng cố bởi một khảo sát do Microsoft thực hiện vào năm 2021, trong đó, khảo sát cho thấy đại dịch đã thúc đẩy 44% doanh nghiệp tham gia khảo sát thấy cần phải đầu tư thêm vào chiến lược và giải pháp IoT (so với mức 31% trong năm 2020).

Các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư thêm vào công nghệ IoTMột khảo sát khác của Gartner cho thấy 47% doanh nghiệp có kế hoạch gia tăng mức đầu tư vào các công nghệ IoT nhằm giảm chi phí trong tương lai. Trong đó Gartner ước tính tới năm 2023 một phần ba doanh nghiệp vừa và lớn đã triển khai IoT sẽ triển khai ít nhất một “công nghệ bản sao số” (digital twin) do COVID-19.

Công nghệ bản sao số về cơ bản là bản mô phỏng ảo của một thiết bị cho phép các doanh nghiệp theo dõi và phân tích bản thể thực tế trong môi trường công nghiệp. Công nghệ này tạo điều kiện cho họ thực hiện bảo trì dự đoán, giả định một số tình huống và tối ưu hóa hoạt động của tài sản.

Sản xuất và bảo trì dự đoán. Bảo trì dự đoán là một cách ứng dụng quan trọng của IoT. Các cảm biến IoT có thể hỗ trợ bảo trì dự đoán trên thiết bị nhà máy bằng cách giúp giảm thời gian máy ngưng hoạt động và từ đó giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp.

Các giải pháp IoT có thể được ứng dụng trong thu thập dữ liệu về lỗi sản phẩm, trong khi đó, thiết bị IoT đeo trên người và các thiết bị khác có thể giúp cảnh báo cho công nhân những tai nạn có thể xảy ra trong nhà máy thông minh và hỗ trợ công tác đào tạo và bảo trì.

Ví dụ, các giải pháp thực tế tăng cường (augmented reality - AR) của Bosch có thể giúp các thợ sửa ô tô nhìn thấy vị trí các linh kiện khó thấy trong xe, đi kèm với đó là hướng dẫn xử lý vấn đề cũng như công cụ cụ thể cần dùng. Bosch ước tính ứng dụng AR như vậy trong các xưởng dịch vụ xe hơi có thể tiết kiệm trung bình 15% thời gian thực hiện trên mỗi khâu (ngay cả trên phương tiện thông thường và với nhiệm vụ sửa chữa ít phức tạp hơn).

Vận chuyển và kho hàng… và giám sát từ xa các kiện hàng trong quá trình vận chuyểnCác công nghệ IoT có thể được triển khai để giám sát và điều chỉnh điều kiện khí hậu cho hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ trong quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ.

Ví dụ, hệ thống quản lý container từ xa (Remote Container Management - RCM) của Maersk cho phép khách hàng theo dõi từ xa vị trí và điều kiện (như nhiệt độ và độ ẩm) của các container lạnh theo thời gian thực.

Maersk là đơn vị vận chuyển 27% lượng container lạnh của cả thế giới, theo họ, khoảng 350 triệu tấn lương thực phải đem bỏ mỗi năm do thiếu kho lưu trữ và chậm trễ trong quá trình vận chuyển. Hiện tại, khoảng 94% trong số 380.000 container lạnh của Maersk có công nghệ RCM hỗ trợ.

Việc theo dõi và kiểm soát từ xa nhiệt độ sản phẩm trong quá trình vận chuyển cũng rất quan trọng với các ngành khác như dược phẩm.

Theo Carogsense, khoảng 25% vắc-xin bị giảm chất lượng khi vận chuyển đến nơi do điều kiện vận chuyển không đúng quy cách, còn IQVIA Institute phát hiện ngành dược phẩm sinh học bị tổn thất khoảng 35 tỷ USD mỗi năm do lỗi nhiệt độ trong khâu vận chuyển. Thực tế, con số này thậm chí còn cao hơn trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và vắc-xin COVID-19 được tung ra trên toàn thế giới.

Các giải pháp IoT có thể được dùng cho hàng hóa nhạy cảm với nhiệt độ… Sử dụng cảm biến IoT có thể giúp các hãng sản xuất dược phẩm chủ động khoanh vùng những mắt xích yếu trong cả chuỗi cung ứng nơi nhiệt độ có thể thay đổi và đảm bảo những sản phẩm như vắc-xin được an toàn trong môi trường lạnh.

Ví dụ, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association - IATA), trên 50% tình huống thay đổi nhiệt độ xảy ra trong khâu vận chuyển hàng không và tại sân bay.

Cảm biến IoT cũng có thể được ứng dụng nhằm đảm bảo đồ dùng có thể tái sử dụng trong đóng hàng như thùng, ván và xe đẩy không bị thất lạc trong quá trình vận chuyển.

… và quản lý và di chuyển hàng tồn khoTrong mảng kho hàng, các công nghệ IoT có thể được dùng trong các phương tiện tự lái theo hướng dẫn (autimated guided vehicles - AGV) để tính toán lộ trình ngắn nhất giữa các kệ hàng và bổ sung hàng mà không cần sự giám sát của con người, quản lý kho và hoàn thành đơn hàng.

Ví dụ, Cainiao - đơn vị vận chuyển của Alibaba - có gần 700 AGV ứng dụng công nghệ IoT nhận và giao hàng bên trong kho hàng. Xe AGV có thể tự sạc pin và dự kiến sẽ giúp nhân viên giảm đáng kể quãng đường phải đi trong ngày, từ đó tăng 30% hiệu quả lao động.

Hậu mãi. IoT có thể được dùng trong dịch vụ hậu mãi như bảo trì dự đoán giúp giảm chi phí liên quan đến trả lại hàng hóa do giảm khả năng khách hàng trả lại sản phẩm nếu lỗi được sửa kịp thời. Dự liệu có thể được các công ty sử dụng để cải thiện sản phẩm trong tương lai và điều chỉnh thiết kế cho tốt hơn.

Tác động tích cực tới môi trường, xã hội và quản trị (ESG)

HSBC cho biết, một lợi ích lớn của ứng dụng IoT là khả năng giám sát các chỉ số ESG. Những yếu tố như hiệu quả năng lượng, chất thải và sử dụng nước được ghi nhận qua cảm biến cho phép quản lý nguồn lực hiệu quả và cho ra kết quả chính xác, chi tiết hơn.

Trong các chuỗi cung ứng, giám sát thiết bị IoT hỗ trợ theo dõi các chỉ số trên toàn cầu, cho ra dữ liệu các-bon theo thời gian thực và những dự đoán. Từ đó, các bên liên quan có thể hiểu chính xác về tác động, cho phép doanh nghệp ghi lại dữ liệu hiệu quả và mang đến cái nhìn tổng quan hơn cho các nhà đầu tư.

Theo Danfoss, các giải pháp IoT đã giúp các nhà bán lẻ lương thực tiết kiệm khoảng 37 triệu USD nhờ giảm chất thải từ thực phẩm (ví dụ như nhờ theo dõi nhiệt độ) và cắt được 2 triệu tấn CO2 chỉ trong vòng năm năm qua. Thêm nữa, các giải pháp IoT có thể được dùng trong vận chuyển nhằm rút ngắn lộ trình chuyển hàng, đồng nghĩa với giảm tiêu thụ nhiên liệu, trong khi đó bảo trì dự đoán nhờ ứng dụng công nghệ IoT có thể giúp  kéo dài tuổi thọ của các thiết bị quan trọng và từ đó giúp giảm rác thải.

Ngoài ra, nhiều dự án IoT đang có đóng góp vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. Hiện tại, 84% các hoạt động ứng dụng IoT góp phần vào các mục tiêu này, 75% trong đó tập trung vào năm mục tiêu lớn. Đặc biệt, “công nghiệp, sáng tạo và cơ sở hạ tầng” và “tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm” đều góp phần củng cố tính bền vững cho chuỗi cung ứng. Cần lưu ý rằng những yếu tố môi trường như sử dụng năng lượng trong sản xuất, nguồn cung nguyên liệu thô giới hạn và rác thải điện tử phải được xem xét trong bối cảnh số lượng thiết bị IoT sẽ gia tăng.

"Thu thập dữ liệu từ các thiết bị IoT trong chuỗi cung ứng mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng", báo cáo của HSBC viết.

Trong đó, với doanh nghiệp, theo dõi các yếu tố như chất lượng không khí và nước để tối ưu hóa tình trạng sức khỏe giúp hỗ trợ phúc lợi cho người lao động. Theo dõi tài sản như hàng hóa và cơ sở vật chất cho phép chuỗi cung ứng trở nên minh bạch hơn, từ đó người tiêu dùng có thể giám sát vị trí và thời điểm hàng tới nơi trong quá trình di chuyển trong chuỗi cung ứng.

Với ngành Ngân hàng, báo cáo của HSBC cho biết, vai trò của ngân hàng trong chuỗi cung ứng chủ yếu xoay quanh: (1) Cung cấp nguồn vốn hoạt động; (2) Tài trợ thương mại để hỗ trợ luồng hàng hóa lưu thông xuyên biên giới.

Về cơ bản, cả tài trợ vốn hoạt động và tài trợ thương mại đều phục vụ chung một mục đích là cho phép các nhà cung cấp quản lý nhu cầu dòng tiền ngắn hạn của họ. Điều này liên quan đến thiếu hụt dòng tiền hiện tại phát sinh trong khoảng thời gian giữa thời điểm chi trả cho đầu vào, chi phí sản xuất, rồi giao hàng với thời điểm nhận được phần thanh toán cho những hàng hóa đó từ người mua cuối cùng.

Thông thường, “khoảng trống” trong dòng tiền này càng lớn hơn khi hàng hóa cần đi qua một nước khác và “khoảng trống” này được lấp đầy nhờ khoản tín dụng ngắn hạn từ các ngân hàng tài trợ thương mại.

"Khoản tín dụng này của ngân hàng sẽ được bảo đảm bằng chính hàng hóa trong chuỗi cung ứng. Nếu công nghệ IoT có thể cho phép các ngân hàng tài trợ thương mại theo dõi chính xác biến động hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng, họ có thể giảm thiểu được rủi ro tín dụng vì có thể xử lý tốt hơn tài sản thế chấp", báo cáo của HSBC nhấn mạnh và cho biết thêm: "Qua thời gian, việc này có thể giảm chi phí tài trợ thương mại cho khách hàng vì rủi ro tín dụng ngân hàng nhận diện sẽ giảm bớt. Tài trợ thương mại là một sản phẩm ngân hàng vốn được coi là rủi ro thấp nhưng IoT có thể giảm rủi ro xuốn thấp hơn nữa".