3 trong 5 lĩnh vực ưu tiên có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao

Theo Thành Đức/baokiemtoannhanuoc.vn

Dự kiến, đến cuối tháng 6/2021, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng 5,5 - 6%. Trong đó, tín dụng một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng cao so với tín dụng của toàn nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên

Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), 6 tháng đầu năm 2021, các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã tạo đà phục hồi tăng trưởng tín dụng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng tích cực gồm: xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các lĩnh vực này có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Dự kiến đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng có thể đạt 5,5 - 6%. Tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 3,9%, tín dụng xuất khẩu tăng 9%, tín dụng nông nghiệp, nông thôn ước tăng 4,8%, tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 6,94% và lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,5%. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến cuối tháng 5/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 258 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ gần 337 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn gần 677 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,28 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng cho hơn 480 nghìn khách hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD đã tích cực, chủ động có giải pháp hỗ trợ riêng đối với khách hàng, địa phương bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần thứ 3 và thứ 4. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có 17 TCTD công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Đối với chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), đến nay, có 3 TCTD (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội) đã có Văn bản cam kết tài trợ cho VNA vay với tổng số tiền là 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Các TCTD và VNA đang tích cực thực hiện các thủ tục, đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân cho vay cuối tháng 6 - 7/2021.

Đối với chương trình cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, đến ngày 31/01/2021 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định), Ngân hàng Nhà nước đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 42,9 tỷ đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành phố với dư nợ 41,82 tỷ đồng đối với 245 người sử dụng lao động trên 11.276 người lao động ngừng việc. Dư nợ của chương trình tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay là 38,47 tỷ đồng.

Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách củaNgân hàng Chính sách xã hội đạt 238.729 tỷ đồng, tăng 5,54% so với cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết: Bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh; đôn đốc các TCTD triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; theo dõi tình hình cho vay của TCTD đối với VNA và thực hiện giải ngân tái cấp vốn đối với TCTD cho vay VNA theo Nghị quyết số 194/NQ-CP của Chính phủ; phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, triển khai chính sách cho vay hỗ trợ trả lương cho người lao động bị ngừng việc, gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng Covid-19 khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành Ngân hàng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của TCTD, hoạt động bảo lãnh.../.