Hỗ trợ thiết thực nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân

Theo Minh Ngọc/baochinhphu.vn

Với tổng ngân sách 36 triệu USD, Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hợp tác thực hiện sẽ hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các DN tư nhân tại Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu Việt.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) phát biểu tại hội nghị.

Dự án USAID IPSC bao gồm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực quản trị, quản lý và chiến lược của các doanh nghiệp (DN) đang tăng trưởng; nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh thông qua việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN và nền kinh tế phát triển mang tính bao trùm; thúc đẩy các liên kết DN-DN và liên kết ngành.

Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 DN nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất; hỗ trợ 240 DN nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 DN tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm "Made by Viet Nam".

Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị áp một loại thuế nhập khẩu liên quan đến phát thải carbon trong sản xuất và dự kiến trở thành rào cản không nhỏ cho DN. Ngoài vấn đề này, thì tăng định vị thương hiệu sản phẩm "Made by Viet Nam" thông qua cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì cũng đang được DN tư nhân hết sức quan tâm, đặc biệt là khối DN nhỏ.

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của DN thuộc khuôn khổ dự án nêu trên, trong 2 ngày 28 và 29/6, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) và USAID IPSC đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn: “Tổng quan về các yêu cầu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và cơ chế carbon: Thách thức và giải pháp ban đầu cho DN” và “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho DN”. 

Trong bối cảnh DN xuất khẩu đối mặt với hàng rào tín chỉ carbon ở EU, buổi tập huấn đã giúp trang bị cho các DN Việt Nam các kiến thức phù hợp, có hệ thống để xác định định hướng, xây dựng tầm nhìn chiến lược tổng thể, dài hạn về các giải pháp giảm phát thải đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường và duy trì tăng trưởng. 

Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã chia sẻ với các DN về thị trường carbon, hoạt động kinh doanh carbon, các yêu cầu và cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của các DN và chuỗi cung ứng; các giải pháp chủ động giảm nhẹ phát thải cho DN...

Tại hội nghị về “Cải tiến công nghệ, thiết kế bao bì nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh cho DN”, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho rằng, ngành bao bì Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng các DN bao bì Việt Nam dường như đang bị lấn lướt trong cuộc cạnh tranh với các DN nước ngoài. Nếu tình hình không thay đổi, rất có thể DN Việt Nam không chỉ mất thị phần trong nước, mà giá trị từ thị trường xuất khẩu cũng sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Đức Trung, hội nghị tập huấn của USAID IPSC là hoạt động có ý nghĩa và lợi ích thiết thực, là một dịp để cùng trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm từ các chuyên gia về chiến lược phát triển bao bì, nhận diện thương hiệu DN Việt Nam.

Bà Agnieszka van Batavia, chuyên gia của Tập đoàn Constantia Flexibles chia sẻ 6 yếu tố cần chú ý trong chiến lược bao bì, đó là yếu tố chức năng, kinh tế, pháp lý, thu gom và phân loại, phục hồi nguyên liệu và yếu tố bền vững.

Theo đó, sản xuất bao bì phải đáp ứng đầy đủ chức năng với nguồn lực tối thiểu, không lãng phí và tạo ra các tác động tiêu cực thấp nhất có thể, dem lại tối đa tác động tích cực cho hành tinh và toàn xã hội.