Tài chính kế toán - Nền tảng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển trong thời kỷ nguyên số
Ngày 12/11/2021, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) đã phối hợp Đại học Tài chính - Marketing, Đại học Tài chính Kế toán và Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính tổ chức Hội thảo quốc tế “Tài chính - kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” (FASPS-3) theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, Hội nghị lần thứ V, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển; vừa phát huy vai trò của thành phần kinh tế này trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
Theo quan điểm Đại hội XIII của Đảng, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã được nâng lên, coi đó là động lực của nền kinh tế. Cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, nhất là chỉ đạo tổ chức thực tiễn để thực hiện đúng đường lối, chính sách, phát huy hơn nữa tiềm năng của kinh tế tư nhân. Đầu tư cho kinh tế tư nhân phát triển không phải là mục tiêu đạt tới, mà là phương tiện để phát triển kinh tế - xã hội và con người, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Qua 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm và bàn thảo về những đóng góp quan trọng của lĩnh vực tài chính - kế toán đối với phát triển kinh tế tư nhân, tại Hội thảo, các diễn giả cho rằng, cần tiếp tục tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân phát triển với việc đầu tư khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Đồng thời, đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Ban tổ chức, gần 100 bài viết có có hàm lượng khoa học cao, thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững đã được lựa chọn, biên tập, sắp xếp đăng trong Kỷ yếu. Các bài viết tập trung phân tích đánh giá, nhận định về kinh tế, tài chính, quản trị, nhân lực, kế toán và kiểm toán… với phát triển kinh tế tư nhân.
Thông qua Hội thảo này đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ kiến thức kinh nghiệm giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài về lĩnh vực tài chính- kế toán trong kỷ nguyên số bùng nổ.
Hội thảo FASPS-3 tập trung bàn thảo các chủ đề: Các chính sách tài chính-kế toán cho phát triển kinh tế tư nhân; Nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; Các quan điểm và nhận thức về kinh tế tư nhân; Quản lý kinh tế, cải cách tài chính công, cải cách hành chính để phát triển kinh tế tư nhân; Kinh tế tư nhân, điều kiện, giải pháp, định hướng phát triển kinh tế tư nhân, những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tư nhân; Thực trạng, vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; Kinh tế tư nhân trong bối cảnh hội nhập, cách mạng 4.0, tham gia các Hiệp định thương mại tư do…