Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Theo ước tính quy mô kinh tế phi chính thức ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% GDP và có xu hướng tăng nhanh từ năm 2017.
Mặc dù, nền kinh tế phi chính thức có những vai trò, quan trọng đối với tạo việc làm, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, tuy nhiên về dài hạn kinh tế phi chính thức có thể làm thất thu nguồn ngân sách, tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn về kinh tế - xã hội. Nhận diện những tồn tại và thách thức của nền kinh tế phi chính thức ở nước ta, bài viết gợi ý một số vấn đề nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của khu vực kinh tế này.
Tổng quan về nền kinh tế phi chính thức
Nền kinh tế phi chính thức từ lâu đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng và tất yếu song hành với nền kinh tế chính thức của các quốc gia trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Quốc tế, kinh tế phi chính thức đóng góp trung bình từ 1-20% GDP/mỗi quốc gia. Thuật ngữ kinh tế phi chính thức đầu tiên do Hart (1973) đề xuất để mô tả một khu vực kinh tế truyền thống ở các nền kinh tế đang phát triển. Nguyên gốc của sự phân biệt giữa khu vực kinh tế phi chính thức và chính thức là dựa trên sự phân biệt giữa lao động được trả lương và lao động tự làm.
Nói cách khác, mỗi quốc gia có những đặc điểm kinh tế và hình thái xã hội khác nhau nên tên gọi, cách tiếp cận, phân loại, phương pháp đo lường và các đánh giá về kinh tế phi chính thức cũng khác nhau. Về tên gọi, hiện có nhiều tên gọi liên quan đến nền kinh tế phi chính thức như: kinh tế mờ, kinh tế ngầm, kinh tế không được quan sát… Dù được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau song đều phản ánh các hoạt động kinh tế diễn ra ở khu vực bên ngoài khu vực kinh tế chính thức vốn được Nhà nước thừa nhận và bảo hộ.
Smith (1994) chỉ ra rằng, kinh tế ngầm là nền kinh tế sản xuất hàng hóa và dịch vụ theo hướng thị trường bất kể hợp pháp hay không hợp pháp và không được tính toán trong giá trị GDP của một quốc gia. Tương tự, theo Feige (1996), nền kinh tế phi chính thức bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế không được tính toán vào tổng sản phẩm quốc gia và khó có thể đo lường được.
Thực trạng kinh tế phi chính thức ở Việt Nam
Ở Việt Nam, kinh tế phi chính thức hiển hiện khắp mọi miền đất nước, song chưa có thống kê cụ thể về những đóng góp của khu vực này. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế phi chính thức đã được quan sát trong chỉ tiêu GDP cả nước năm 2015 là 14,34%; hoạt động tự sản, tự tiêu hộ gia đình đã được quan sát là 2,09%. Báo cáo kinh tế và tài chính quốc tế cũng cho thấy, Việt Nam có khu vực kinh tế phi chính thức rất lớn, nếu tính được giá trị của toàn bộ khu vực này có thể làm cho GDP tăng lên khoảng 30%.
Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, cả nước có hơn 5.144 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể phi nông nghiệp. Trong đó, có khoảng 77% hoạt động dịch vụ xe ôm, hàng rong, bán lẻ hàng hóa ở chợ cóc… Mặc dù, kinh tế phi chính thức tản mát, rời rạc song chiếm tới 87,7% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh và chiếm tới 32% tổng số lao động đang làm việc tại các cơ sở kinh tế, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế phi chính thức được hiểu là khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 5 thành tố: (1) Là hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ các cơ sở kinh doanh không khai báo vì mục đích trốn thuế; (2) Các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, bị pháp luật cấm như buôn bán ma túy, bao gồm cả hoạt động hợp pháp; (3) Là khu vực kinh tế chính thức chưa được quan sát như: hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, không phân biệt sản xuất kinh doanh hay hộ cá thể hoặc không có hợp đồng lao động…; (4) Là khu vực kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình như hộ gia đình tự sản xuất, tự tích lũy để trang trải cho cuộc sống; (5) Là các hoạt động thu thập dữ liệu cơ bản bị bỏ sót.
Tại Diễn đàn tài chính do Bộ Tài chính tổ chức năm 2018, Nguyễn Thái Hòa và Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng cho biết, quy mô nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam thay đổi theo từng giai đoạn, thấp nhất khoảng 15% GDP (2005), cao nhất gần 27% GDP (năm 2015) và chiếm trung bình khoảng 15,1% GDP giai đoạn 1991-2015. Lao động trong khu vực này cũng chiếm đến 57% lực lượng lao động xã hội và tạo ra 20-30% GDP cho nền kinh tế.
Nghiên cứu về vai trò của hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đối với tăng trưởng bao trùm ở Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Pháp nhận định: Khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức đóng góp đáng kể cho nền kinh tế với việc tạo ra gần 1/3 GDP phi nông nghiệp, 57% việc làm phi nông nghiệp và 23% tổng GDP năm 2014.
Riêng khu vực kinh tế phi chính thức đóng góp 15% GDP phi nông nghiệp. Trong ngành thương mại, khu vực hộ kinh doanh cá thể khá cao 63% giá trị gia tăng của ngành thương mại, trong đó 1/2 là từ thành phần kinh tế phi chính thức. Về tiềm năng giải quyết việc làm của khu vực kinh tế phi chính thức, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chỉ ra rằng, khu vực hộ sản xuất kinh doanh cá thể và khu vực phi chính thức có khả năng giải quyết việc làm cho một bộ phận lớn dân cư, có tính linh hoạt trong hoạt động, sức sống mạnh mẽ.
Tăng trưởng của khu vực này có rất nhiều tiềm năng, 23% hộ cá thể cho biết mức lợi nhuận của họ dưới 3 triệu đồng, trong khi 19% hộ cá thể đạt mức trên 50 triệu đồng/tháng; 3% hộ cá thể đầu tư đến trên 1/2 tổng vốn đầu tư trong khu vực này. Tuy nhiên, với trình độ công nghệ thấp, trang thiết bị và kỹ năng còn hạn chế; quy mô hoạt động đặc biệt thấp, một nửa số hộ cá thể phi chính thức chỉ có 1 lao động, bình quân mỗi cơ sở có 2 lao động… cho nên khu vực này còn dư địa cho các can thiệp chính sách tác động tới năng suất lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế phi chính thức đã được quan sát trong chỉ tiêu GDP cả nước năm 2015 là 14,34%; hoạt động tự sản, tự tiêu hộ gia đình đã được quan sát là 2,09%. Báo cáo kinh tế và tài chính quốc tế cho thấy, Việt Nam có khu vực kinh tế phi chính thức rất lớn, nếu tính được giá trị của toàn bộ khu vực này có thể làm cho GDP tăng lên khoảng 30%.
Số liệu của Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho thấy, quy mô của lao động phi chính thức ở Việt Nam là khá lớn, với hơn 18 triệu người. Những ngành có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất là: Làm thuê trong các hộ gia đình (99%), xây dựng (hơn 90%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (80%), hoạt động dịch vụ khác (83%). Năm 2016, tỷ lệ lao động phi chính thức so với tổng số là khá cao, chiếm 57,2%.
Đặc điểm lao động khu vực này là có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không hợp đồng lao động, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động. Một trong những bất cập của lao động phi chính thức là tỷ lệ qua đào tạo khá thấp (14,8%), thấp hơn mức chung của lao động có việc làm của nền kinh tế (5,7%) và thấp hơn so với lao động chính thức…
Bên cạnh đó, Wikipedia cũng đã liệt kê hàng loạt tác động tiêu cực từ khu vực kinh tế ngầm, kinh tế phi chính thức như: Đây là nơi diễn ra hàng loạt các hoạt động bất hợp pháp, ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực; tạo nên những yếu tố bất ổn, rủi ro khi quyết định đầu tư; hạn chế cơ hội và quy mô kinh doanh, không khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo, đầu tư dài hạn, phát triển nguồn nhân lực…
Đề xuất, khuyến nghị
Nhìn chung, khu vực kinh tế phi chính thức ở Việt Nam đang có xu hướng phình to, phổ biến ở nông thôn và thành thị. Điều đó cho thấy, khu vực này là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. Do vậy, Việt Nam cần sớm có cơ chế chính sách can thiệp, kịp thời đánh giá đúng mức về vai trò của khu vực kinh tế này nhằm hợp pháp hóa để khu vực này phát triển, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa tiêu cực.
Theo đó, Chính phủ cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án “Thống kê khu vực kinh tế phi chính thức” nhằm đo lường đầy đủ khu vực kinh tế này. Đặc biệt, để có thể khuyến khích các chủ thể tham gia vào nền kinh tế chính thức, cần tập trung vào các biện pháp dài hạn và căn cơ để tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng như: Tập trung hoàn thiện hệ thống phấp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp; đồng thời, có chính sách cụ thể hỗ trợ, bảo vệ các cơ sở sản xuất kinh doanh chính thức thuộc khu vực kinh tế phi chính thức. Trong đó, trọng tâm là cải cách hệ thống thuế, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Cùng với đó, cải thiện chất lượng thể chế, năng lực quản trị nhà nước; Kiểm soát nạn tham nhũng ở những khu vực công, trọng tâm là loại bỏ các khoản chi phí không chính thức; Ổn định kinh tế vĩ mô một cách chắc chắn, tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho phát triển kinh tế dài hạn.
Việt Nam theo đuổi những cải cách này trong dài hạn sẽ tạo ra những tác động tích cực lên các hoạt động kinh tế và kỳ vọng làm thay đổi nhận thức về khu vực kinh tế phi chính thức, cũng như khuyến khích họ chuyển đổi và tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê, Kết quả tổng điều tra kinh tế năm 1995, 2002, 2007, 2012, 2017;
2. Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp;
3. Tổng cục Thống kê, Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2014-2016.