Loay hoay thừa nhận kinh tế phi chính thức

Theo Hoàng Sơn/saigondautu.vn

Việc xác lập một hệ thống chính sách và hành lang pháp lý đầy đủ để cụ thể hóa việc thừa nhận thành phần kinh tế phi chính thức là điều cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình này đang gặp phải rất nhiều vướng mắc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Khái niệm chưa thống nhất

Theo chỉ đạo mới đây của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Đề án chống thất thu thuế khu vực kinh tế ngoài nhà nước, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức (hay còn gọi là nền kinh tế chưa được quan sát). Đây là nhiệm vụ không dễ dàng.

Sự trợ giúp của Bộ Kế hoạch - Đầu tư với đề án này đến nay chưa có gì chắc chắn, do tài liệu phục vụ đề án vẫn đang ở dạng phác thảo, dự thảo; trong khi nhiệm vụ này không thể chậm trễ hơn nữa, trong bối cảnh mối lo vay để chi tiêu và trả nợ đang nóng từng ngày. Theo một thống kê của nhóm học giả Đại học Fulbright, nền kinh tế chưa được quan sát đang chiếm 25-30% GDP Việt Nam. Bỏ qua nguồn thu từ các hoạt động có tính chất kinh tế này.

Đầu tiên là vấn đề nhận diện bộ phận kinh tế này. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, kinh tế phi chính thức được hiểu như khái niệm kinh tế chưa quan sát, bao gồm cả hoạt động kinh tế ngầm (bằng nhiều cách giảm bớt trách nhiệm đóng góp với Nhà nước như trốn thuế) và kinh tế bất hợp pháp (buôn bán các sản phẩm và dịch vụ bất hợp pháp...). Và khi chưa thống nhất về khái niệm, khó có thể bàn tiếp vấn đề thống kê, thu thuế hay bất cứ dự định nào khác. Thêm vào đó, dù theo cách hiểu nào, bộ phận kinh tế hộ gia đình cũng trở thành đích ngắm của mục tiêu chống thất thu thuế. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. 

Một thực trạng bất thường đã được các chuyên gia kinh tế chỉ rõ tại một số cuộc hội thảo tổ chức tại Hà Nội mới đây. Theo đó, sau 30 năm kinh tế thị trường phát triển, đóng góp vào GDP của nhóm DN tư nhân chỉ ước đạt 8%, đồng nghĩa trong 40% thể hiện trên GDP của khối DN tư nhân, hơn 30% là công của kinh tế hộ gia đình. 

Đã từng có những dự định khuyến khích kinh tế hộ gia đình lên DN để vừa hỗ trợ họ về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ, vừa nhận được từ họ phần đóng góp xứng đáng vào ngân sách nhà nước. Dẫu vậy, kế hoạch 1 triệu DN năm 2020, trong đó có sự hiện diện đông đảo của nhóm DN đi lên từ kinh tế hộ gia đình chưa thể thuyết phục, khi DNNVV đang chật vật tìm nguồn lực để tồn tại.

Chính vì thế, những tính toán để khu vực này chia sẻ thêm gánh nặng ngân sách với Nhà nước phải tính đến hệ quả ngược, đó là làm suy yếu nhóm đối tượng kinh doanh đang tương đối hiệu quả. Sẽ phải lường trước những hệ lụy rất nặng nề, nhưng phần trách nhiệm trong viễn cảnh nhiều màu xám này lại không thuộc Bộ Tài chính.

Phân loại để thu thuế

Khái niệm khu vực phi chính thức lần đầu tiên được sử dụng bởi Keith Hart (nhà nhân học xã hội) vào năm 1971, khi nghiên cứu về cơ hội thu nhập phi chính thức và lao động đô thị ở Ghana. Điểm chính trong nghiên cứu của Hart, là những người mới gia nhập thị trường lao động tại đô thị, bắt buộc phải tìm kiếm những việc làm trong khu vực không được tổ chức do thiếu trình độ, kỹ năng và cả cơ hội. Thuật ngữ này được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) làm rõ hơn vào năm 1972.

Theo định nghĩa của ILO, khu vực phi chính thức bao gồm khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức. Tuy nhiên, do tính phức tạp của thị trường lao động ở các nước đang phát triển, định nghĩa khái niệm khu vực phi chính thức đến nay vẫn đang là điểm nóng trong các tranh luận của các nhà kinh tế học, xã hội học, luật học. Có thời điểm, khu vực phi chính thức đóng góp trung bình 42% tổng GDP của 23 nước thuộc khu vực châu Phi, 41% khu vực Nam Mỹ (18 nước) và 29% ở khu vực châu Á (26 nước). 

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, kinh tế hộ gia đình cần được nhìn nhận lại. Kinh tế hộ gia đình đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP, nhưng không đóng góp tương xứng cho cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước.

Việc không ràng buộc cứng về thời gian lao động, mềm dẻo trong quan hệ giữa người lao động và người trả lương, dễ dàng thỏa hiệp về trách nhiệm và quyền lợi khi DN phải đối diện rủi ro hay biến động bất ngờ, đã tạo ra cơ hội để kinh tế hộ gia đình tồn tại, trong khi những khu vực kinh tế khác phải đối diện với tỷ lệ tạm dừng hoạt động và giải thể tăng cao.

Tuy nhiên, ở phương diện khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng vấn đề thừa nhận kinh tế phi chính thức hay không, hoặc xác lập bằng cách nào cần phải bàn thêm. “Trước khi nghĩ đến thu thuế cần phân loại và tạo ra hành lang pháp lý để quản lý ngành kinh tế phi chính thức. Để khuyến khích các chủ thể tham gia nền kinh tế chính thức, Chính phủ cần tập trung vào các biện pháp dài hạn và căn cơ hơn nhằm tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng” - TS. Hiếu kiến nghị.

Dẫu vậy, một thực tế đang diễn ra khiến nhiều người buộc lòng phải lo ngại. Đó là khi Việt Nam đang loay hoay và chưa xác lập được việc thừa nhận nền kinh tế phi chính thức, hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, trong đó có những điều khoản bắt buộc về cắt giảm thuế suất xuống mức 0%. Câu hỏi đặt ra, trong trung và dài hạn, Chính phủ cần làm gì để ổn định nguồn thu ngân sách, trong bối cảnh nợ công và tình trạng bội chi ngân sách luôn có những biến động khó lường.