Mặt hàng nông sản hiếm hoi tăng trưởng xuất khẩu giữa đại dịch bùng phát, cung không đủ cầu

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư khiến xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm mạnh trong tháng 8, nhưng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn vẫn đạt kết quả tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 188.992 tấn, trị giá 83,972 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và 15,8% về trị giá so với tháng trước đó.

Cộng dồn 8 tháng đạt 1.953.801 tấn, trị giá 768,206 triệu USD, tăng 12,2% về lượng và tăng 27,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Cung không đủ cầu, nhà máy cạnh tranh quyết liệt

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, giá sắn nguyên liệu trong tỉnh ổn định từ 3.100-3.200 đồng/kg, giá tinh bột sắn xuất khẩu 10.000 đồng/kg. Thị trường bột sắn trong nước đang khởi sắc nên doanh nghiệp nào có truyền thống bán nội địa thì ra hàng rất tốt, riêng lĩnh vực xuất khẩu có vẫn xuất được nhưng hơi chậm.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giá sắn nguyên liệu trên 3.000 đồng/kg thì họ đang sản xuất hòa vốn; với các doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ thấp, lượng tinh bột thu hồi thấp có thể bị lỗ.

Theo hầu hết doanh nghiệp, giá sắn nguyên liệu phải từ 2.700-2.800 đồng/kg sản xuất mới có chút lời lãi, nhưng do Tây Ninh là tỉnh có nhiều nhà máy chế biến tinh bột sắn nhất nước nên năng lực sản xuất vượt quá nguồn cung nguyên liệu của tỉnh, và các doanh nghiệp luôn trong tình trạng “đói nguyên liệu” đưa đến tình trạng tranh mua đẩy giá sắn lên mức giá cao nhất có thể. 

“Trên thị trường sắn nguyên liệu đang diễn ra cuộc cạnh tranh rất khốc liệt giữa các nhà máy làm bột sắn, các doanh nghiệp cho rằng thậm chí giá tinh bột có tăng gấp đôi họ cũng không có lãi vì khi đó giá nguyên liệu cũng sẽ đẩy lên gấp đôi. 

Chính vì vậy, nếu Tây Ninh có tăng diện tích trồng sắn lên bao nhiêu cũng không ảnh hưởng, bởi công suất chế biến của các nhà máy đang cao hơn gấp 3-4 lần so với nguồn cung. Hiện nay các nhà máy trong tỉnh đang chạy được là nhờ nguồn nguyên liệu nhập từ Campuchia và các tỉnh lân cận", ông Xuân cho biết.

Cũng theo ông Xuân, ngành sắn có một điều thú vị là Việt Nam nhập nguyên liệu thô và xuất tinh bột, dù giá trị để lại không cao lắm nhưng tạo được công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh, và mang ngoại tệ về cho đất nước. Tuy vậy, cây sắn chưa được xem là cây có thu nhập cao vì chỉ trên dưới 100 triệu đồng/ha. Tây Ninh đang phấn đấu đưa bình quân từ 100 triệu đồng/ha trở lên.

Bị cạnh tranh bất thường tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất

Theo bà Nguyễn Thị Khuê, Giám đốc Công ty TNHH MTV Định Khuê, do không có tàu và thiếu container trầm trọng nên dù khách hàng muốn ký hợp đồng công ty cũng không ký, và hiện nay nhu cầu tinh bột sắn làm mì gói trong nước tăng nên công ty chủ yếu bán thị trường nội địa.

Song, các công ty sản xuất mì gói cũng phải làm việc “3 tại chỗ” nên không đủ công nhân nên chỉ sản xuất từ 1/3 - 1/2 công suất của nhà máy, và Công ty Định Khuê cũng đang thiếu nhân công nên mỗi ngày chỉ ra được 120 tấn bột, tương đương 50% công suất nhà máy.

Tuy các nhà máy đều giảm công suất nhưng giá sắn nguyên liệu vẫn cao, theo lý giải của bà Khuê là do Tây Ninh có quá nhiều nhà máy, để có nguyên liệu sản xuất các doanh nghiệp sẵn sàng mua ở mức cao. Trước đây, giá sắn dao động từ 3.300-3.400 thậm chí 3.500 đồng/kg, gần đây do mưa nhiều nên giá giảm xuống còn từ 3.100 - 3.200 đồng/kg, giá sắn quá cao làm ăn khó có lời.

“Trước dịch, Định Khuê chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng nay Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với tinh bột sắn của Thái Lan và Indonesia tại thị trường này, do giá bán của họ thấp hơn nên bây giờ công ty bán nội địa là chính. Hiện có nhiều khách hàng muốn ký hợp đồng nhưng do giá thuê container (cont) cao mà lại không có cont để thuê nên Công ty không dám ký hợp đồng.

Lúc trước Công ty xuất từ 20-50 cont/ngày, nay chỉ đi được một hoặc hai cont/ngày; công ty thì khó giao hàng cho khách đủ số lượng, còn khách mua thì lại phiền lòng vì thiếu hàng. Trong tình hình Logistic “phập phù” như hiện nay Công ty quyết định chưa ký hợp đồng mới vì không biết có thuê được cont hay không, vì đây là tình hình chung của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam”, bà Khuê nhận định.

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 923,25 triệu USD, tăng 20,9% về lượng và tăng 40,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường: Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào và Campuchia. 

Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 (sau Thái Lan) cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2021 chiếm 14,9%, giảm mạnh so với mức 40,3% của cùng kỳ năm 2020; trong khi đó, Trung Quốc nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan tăng mạnh 56,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong mấy tháng gần đây Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam nhưng tăng nhập từ Thái Lan, dù giá nhập khẩu tinh bột sắn từ Thái Lan cao hơn của Việt Nam. Điều này cho thấy, tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh bất thường tại thị trường Trung Quốc.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam đạt gần 1,12 triệu tấn, trị giá 518,73 triệu USD, giảm 2,2% về lượng, nhưng tăng 15,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường Đài Loan, Papua New Guinea, Philippines và Hàn Quốc. 

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,3% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 1,06 triệu tấn, trị giá 492,34 triệu USD, giảm 0,3% về lượng, nhưng tăng 18,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn sang các thị trường phần lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc và thị trường Đài Loan.