Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 04/2020

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ, mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Qua thực tiễn khảo sát kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể là của 2 công ty cùng lĩnh vực xây dựng, bài viết rút ra một số bài học nhằm giúp các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vai trò, tác dụng và những tác động của cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) là khả năng duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc tiêu thụ sản phẩm hoặc dịch vụ, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, thu hút và sử dụng có hiệu quả các yếu tố sản xuất nhằm đạt được lợi ích kinh tế cao và bền vững.

Vai trò, tác dụng tích cực của cạnh tranh thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

- Đối với nền kinh tế, cạnh tranh làm sống động nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra áp lực buộc các DN phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, qua đó góp phần tiết kiệm các nguồn lực chung của nền kinh tế. Mặt khác, cũng tạo ra áp lực buộc các DN phải đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, sử dụng lao động hiệu quả, tăng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế quốc dân.

- Đối với quan hệ đối ngoại, cạnh tranh giúp thúc đẩy DN mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới, tìm kiếm thị trường mới, liên kết liên doanh với các DN nước ngoài, qua đó tham gia sâu vào phân công lao động và hợp tác kinh tế quốc tế, tăng cường giao lưu vốn, lao động, khoa học công nghệ với các nước trên thế giới.

- Đối với các chủ thể sản xuất kinh doanh, cạnh tranh tạo áp lực buộc họ phải thường xuyên tìm tòi sáng tạo, cải tiến phương pháp sản xuất và tổ chức quản lý kinh doanh, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm mới, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, nâng cao trình độ của công nhân và các nhà quản lý các cấp trong DN. Mặt khác, cạnh tranh giúp sàng lọc khách quan đội ngũ những nhân viên không có khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

- Đối với người tiêu dùng, cạnh tranh tạo ra một áp lực liên tục đối với giá cả, buộc các DN phải tìm cách hạ giá thành sản phẩm để nhanh chóng bán được sản phẩm, qua đó người tiêu dùng được hưởng các lợi ích từ việc cạnh tranh giữa các DN cung cấp cùng một loại sản phẩm, dịch vụ. Mặt khác, cạnh tranh buộc các DN phải mở rộng sản xuất, đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã sản phẩm vì thế người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn theo nhu cầu và thị hiếu của mình.

Bên cạnh các mặt tích cực của cạnh tranh, luôn tồn tại những hạn chế, tác động tiêu cực, khó khăn trở ngại đối với các DN, đó là:

- Cạnh tranh tất yếu dẫn đến tình trạng các DN yếu sẽ bị phá sản, gây nên tổn thất chung cho tổng thể nền kinh tế. Mặt khác, sự phá sản của các DN dẫn đến tình trạng hàng loạt người lao động bị thất nghiệp, tạo nên gánh nặng lớn cho xã hội, buộc Nhà Nước phải tăng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ việc làm. Bên cạnh đó, cạnh tranh cũng làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội khác gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

- Cạnh tranh tự do tạo nên một thị trường sôi động nhưng ngược lại cũng dễ gây nên tình trạng hỗn loạn, gây rối nền kinh tế xã hội. Điều này dễ dẫn đến tình trạng để đạt được mục đích, một số nhà kinh doanh có thể bất chấp mọi thủ đoạn “phi kinh tế”, “phi đạo đức kinh doanh”, bất chấp pháp luật và đạo đức xã hội để đánh bại đối thủ bằng mọi giá, gây hậu quả lớn về mặt kinh tế, xã hội.

Tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của DN

Để đánh giá năng lực cạnh tranh của DN nói chung và DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, có thể dựa vào các tiêu chí sau:

- Thị phần của DN: Thị phần là tiêu chí thể hiện vị thế cạnh tranh của DN. Tiêu chí này được đo bằng tỷ lệ doanh thu hay số lượng sản phẩm của DN trong một giai đoạn nhất định so với tổng doanh thu hay sản lượng tiêu thụ trên thị trường.

- Hiệu quả sản xuất kinh doanh: Đây là một chỉ tiêu tổng hợp, phản ánh kết quả kinh doanh nhưng đồng thời cũng phản ánh năng lực cạnh tranh của DN. Khi đánh giá chỉ tiêu này thông thường chủ đầu tư xem xét lợi nhuận của DN qua nhiều năm (từ 3 - 5 năm), tính tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm đồng thời kết hợp với việc đánh giá chỉ tiêu về giá trị sản lượng xây lắp hoàn thành trong năm.

- Chất lượng sản phẩm: Trong lĩnh vực xây dựng, chất lượng sản phẩm chính là chất lượng công trình, biểu hiện thông qua tính năng, tuổi thọ, độ an toàn, độ bền vững, tính kỹ thuật, mỹ thuật, kinh tế và bảo vệ môi trường của công trình.

- Cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ: Nhóm này bao gồm nhà xưởng, hệ thống kho tàng, hệ thống cung cấp năng lượng, kỹ thuật công nghệ thi công...

- Kinh nghiệm và năng lực thi công: Đây là một trong những chỉ tiêu xác định điều kiện đảm bảo nhà thầu được tham gia cạnh tranh đấu thầu trong mỗi dự án, phần lớn các chủ đầu tư khi phát hành hồ sơ mời thầu đều có yêu cầu về tiêu chuẩn này.

- Năng lực tài chính: Trong lĩnh vực xây dựng, để đánh giá về năng lực tài chính của nhà thầu chủ đầu tư thường đánh giá thông qua một số các chỉ tiêu cơ bản sau đây:

Hệ số khả năng thanh toán hiện hành = Tổng tài sản lưu động/Tổng nợ ngắn hạn.

Hệ số khả năng thanh toán nhanh = (Tổng tài sản lưu động - Hàng tồn kho)/Tổng nợ ngắn hạn.    

Kỳ thu tiền bình quân (ngày) = Số ngày trong năm x khoản phải thu/Doanh số tín dụng.

Chu kỳ chuyển hoá tồn kho (ngày) = Số ngày trong năm x Tồn kho bình quân/Chi phí hàng bán.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ = Tổng nợ/Vốn chủ sở hữu.

Tỷ lệ tổng nợ trên tổng tài sản (%) D/A = Tổng nợ/Tổng tài sản.

Thu nhập trên đầu tư ROA (%) = Lợi nhuận ròng/ Tổng tài sản.

Thu nhập trên vốn chủ ROE (%) = Lợi nhuận ròng/ Vốn chủ sở hữu.

Thực tiễn nâng cao năng lực cạnh tranh tại CIENCO 1 và Công ty Cổ phần Xây dựng 472

Kinh nghiệm của CIENCO 1

Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (CIENCO1) là một trong những DN hàng đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam. CIENCO1 được thành lập từ năm 1964, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như: Xây dựng các công trình giao thông; xây dựng công nghiệp, dân dụng; tư vấn đầu tư xây dựng; khảo sát thiết kế; giám sát thí nghiệm các công trình giao thông; sản xuất vật liệu xây dựng; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị giao thông vận tải, nhiên liệu; kinh doanh khách sạn, nhà hàng, siêu thị, dịch vụ du lịch; đào tạo công nhân kỹ thuật; xuất khẩu lao động. Để phát triển bền vững, thời gian qua, CIENCO1 đã và đang áp dụng nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, cụ thể như:

- Không ngừng nâng cao năng lực kỹ thuật công nghệ, năng lực tài chính và nguồn nhân lực; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào thi công, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi chất lượng công trình là thương hiệu của Tổng Công ty; chủ động tìm kiếm thị trường và chú trọng vào các dự án có nguồn vốn rõ ràng. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông lâu năm, khả năng tài chính minh bạch, dồi dào nên Tổng Công ty được đánh giá rất cao trong đấu thầu cạnh tranh.

- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự thầu các công trình xây dựng giao thông mà Tổng Công ty tham gia. CIENCO1 có bộ phận chuyên gia và nhân viên kỹ thuật chất lượng cao, giúp Tổng Công ty nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ dự thầu, hoàn thiện hồ sơ dự thầu với giá cạnh tranh, đặc điểm dự án, đối thủ cạnh tranh…

- Thiết lập mối quan hệ tốt với chủ đầu tư và DN tư vấn dự án. Nhờ vào mối quan hệ này, Tổng Công ty được chủ đầu tư và nhà tư vấn quan tâm và tín nhiệm, nên khả năng trúng thầu cao.

Kinh nghiệm của Công ty Cổ phần Xây dựng 472

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện nay có nhiều công ty thuộc lĩnh vực xây dựng giao thông. Trong những năm gần đây, DN phát triển mạnh trong lĩnh vực này trên địa bàn phải kể tới Công ty Cổ phần Xây dựng 472. Một số kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty Cổ phần Xây dựng 472 có thể đề cập tới như sau:

Thứ nhất, giữ vững mối quan hệ với các bên hữu quan như chủ đầu tư, khách hàng, tổ chức tín dụng… và tăng cường tìm kiếm khách hàng mới trên thương trường.

Thứ hai, thực hiện kịp thời tiến độ thi công các công trình đảm bảo chất lượng. Với mỗi công trình, Công ty luôn lập kế hoạch cụ thể đối với từng giai đoạn thực hiện; lường trước những tình huống có thể phát sinh và có phương án đối phó, để đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công. Nhờ vậy, uy tín và năng lực cạnh tranh của Công ty Cổ phần Xây dựng 472 trong những năm gần đây được nâng lên rõ rệt.

Thứ ba, ngoài việc hoàn thiện đầy đủ hồ sơ dự thầu các công trình, Công ty còn chủ động nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống định mức tiêu hao chi phí xây dựng, để có thẻ tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm…

Bài học kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng

Qua thực tiễn khảo sát kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể là của 2 công ty cùng lĩnh vực xây dựng, bài viết rút ra một số bài học nhằm giúp các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, các DN cần nâng cao năng lực tài chính, bởi năng lực tài chính quyết định rất lớn đến khả năng trúng thầu của đơn vị. Đơn vị có năng lực tài chính đủ mạnh luôn luôn chiếm ưu thế trong giai đoạn đấu thầu - giai đoạn quyết định công ty có nhận được công trình thi công hay không. Do vậy, minh bạch hóa nền tài chính, có kế hoạch tài chính rõ ràng, lành mạnh sẽ giúp cho DN tạo niềm tin và uy tín với đối tác trong và ngoài nước.

Thứ hai, để đảm bảo việc đấu thầu thuận lợi, các DN cần nâng cao năng lực của mình thông qua đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ, đảm bảo các công trình luôn luôn đạt đúng tiến độ đã đề ra.

Thứ ba, chủ động nâng cao kinh nghiệm, trình độ tổ chức quản lý, các hoạt động marketing tìm kiếm thị trường, tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu, trình độ đội ngũ cán bộ lập hồ sơ dự thầu, quản lý tiến độ thi công, chất lượng công trình xây dựng, khả năng liên doanh, liên kết…

Thứ tư, mở rộng và xây dựng các mối quan hệ; xây dựng mạng lưới hoạt động thông suốt cũng là việc làm cần thiết đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Minh Anh (2018), Đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh của Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông I, Thái Nguyên;

2. Vũ Trọng Lâm (2016), Nâng cao sức cạnh tranh của các DN trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội;

3. Nguyễn Tuấn Minh (2018), Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông 247, Thái Nguyên;

4. Michael E. Porter (1990), The competitive advantage of nations, Free Press, New York;

5. Michael E. Porter (1985), The Competitive advantage, Free Press, New York.