Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm: Yếu tố then chốt, tạo vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

Thái Hằng

Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt hiện nay, việc áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, là một trong những giải pháp then chốt, giúp doanh nghiệp đứng vững và nâng cao vị thế trên thị trường.

Thép Việt Đức được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại châu Âu
Thép Việt Đức được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại châu Âu

Xác định hướng đi mới, bền vững cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững nhất định phải nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, từng ngành, doanh nghiệp và sản phẩm. Trong đó, nâng cao năng suất và chất lượng, cụ thể là chất lượng sản phẩm là giải pháp then chốt mà mỗi quốc gia cần chú trọng đẩy mạnh.

Với tầm quan trọng đó, vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng đã được cụ thể hóa trong những định hướng của Đảng, Chính phủ và rõ nét tại Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" (Chương trình 712); Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp"…

Xác định doanh nghiệp chính là trọng tâm của các hoạt động triển khai Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Để giúp doanh nghiệp có cái nhìn trực quan về lợi ích từ việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, Dự án "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp" cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các mô hình điểm. Cụ thể như hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến.

Đối với vấn đề chất lượng, nội dung cần ưu tiên là tập trung xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan quản lý mà quan trọng hơn là một trong những định hướng quan trọng để cải tiến và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp.

Đối với tăng năng suất, nội dung cần ưu tiên là triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc áp dụng các công cụ, hệ thống về nâng cao năng suất tại doanh nghiệp…

Mô hình thành công về nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh

Thực tế cho thấy, khi năng suất, chất lượng được bảo đảm, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Thành công của Tập đoàn Tân Á Đại Thành là minh chứng điển hình. Nhờ nỗ lực áp dụng và duy trì hệ thống quản lý, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại khép kín, để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, giờ đây Tân Á Đại Thành đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu về sản xuất hàng kim khí gia dụng và thiết bị ngành nước tại Việt Nam.

Tương tự Tập đoàn Tân Á Đại Thành, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang trở thành yếu tố then chốt để tạo nên vị thế cạnh tranh của thép Việt Đức trên thị trường. Trước yêu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của khách hàng, Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Đức đã đầu tư mới, đồng bộ dây chuyền công nghệ sản xuất thép Việt Đức hiện đại; đồng thời, tối ưu hóa năng lực sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Nhờ đó, Thép Việt Đức đã khẳng được vị thế và chiếm lĩnh niềm tin của khách hàng trong nhiều năm qua.