Nguy cơ khủng hoảng quản lý tiền mặt do dịch COVID-19

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Các chuyên gia PwC Việt Nam chỉ ra những nguy cơ khủng hoảng quản lý tiền mặt như: doanh nghiệp thiếu tiền mặt, chưa có cái nhìn rõ ràng về vốn lưu động, rủi ro nợ, rủi ro vi phạm hợp đồng, bị hạ xếp hạng tín dụng… do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo nhận định của PwC, khi biến thể Delta tiếp tục "thách thức" cả thế giới, doanh nghiệp thuộc mọi ngành kinh tế đang phải đối mặt với suy giảm doanh thu. Hơn nữa, việc chậm thu hồi các khoản phải thu và các thỏa thuận thanh toán sớm đã dẫn đến suy yếu dòng tiền.

Nói đến bối cảnh Việt Nam, ông Mohammad Mudasser, Giám đốc - Dịch vụ Tư vấn Thương vụ của PwC Việt Nam nhận định, ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ khác nhau để giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và người dân. Gói hỗ trợ mới nhất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP trị giá 1,13 tỷ USD. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp Việt Nam rất mong chờ các gói hỗ trợ từ phía Chính phủ, nhưng họ lại gặp phải khó khăn do quy trình đăng ký khá phức tạp.

Theo kết quả của một khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào tháng 12/2020, có tới 86% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ là hữu ích, nhưng việc tiếp cận các gói hỗ trợ này lại không hề dễ dàng.

Ông Mohammad Mudasser nhìn nhận, khủng hoảng không xảy ra tức thì mà tích lũy dần qua thời gian, do đó doanh nghiệp cần phải hành động trước khi quá muộn. “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phi thường, đòi hỏi doanh nghiệp tái thiết lập các hoạt động kinh doanh, trong đó khả năng nhận biết và kiểm soát dòng tiền là vấn đề cốt tử nhằm giúp doanh nghiệp có thể vượt qua được các khó khăn về tài chính trước tác động nặng nề từ làn sóng dịch COVID-19", ông nhấn mạnh.

Đại diện PwC khuyến nghị bộ phận chức năng ngân quỹ doanh nghiệp có thể giúp đặt ra các ưu tiên cho chi tiêu cho tương lai dựa trên nhu cầu hoạt động, đánh giá các cơ chế tài chính thay thế như tài trợ chuỗi cung ứng và sử dụng các dữ liệu cũng như phân tích để tăng cường khả năng quản lý rủi ro giao dịch, tín dụng.

Trong ấn phẩm: “Duy trì và quản lý tiền mặt” vừa được phát hành, PwC Việt Nam đã đưa ra 8 phương pháp quản lý tiền mặt hiệu quả dành cho doanh nghiệp, gồm: Lập dự báo dòng tiền động ngắn hạn điều chỉnh liên tục với khoảng thời gian dự báo 13 tuần. Phân tích các kịch bản khác nhau và các biện pháp giảm thiểu tác động, bao gồm cả tác động đến số dư tiền mặt và các giao ước của các khoản vay. Xem xét các quy trình và việc kiểm soát tiền. Rà soát và phân tích các tài sản ngắn hạn. Phân tích chi tiết các khoản chi tiêu để xác định khoản nào có thể được lược bỏ.

Đồng thời, rà soát và phân tích các tài sản ngắn hạn đề xác định có thể chuyển đổi những hạng mục nào thành tiền mặt. Đảm bảo tiến độ về việc lập, theo dõi và thu tiền của các hóa đơn. Đưa ra những hạn chế kinh doanh với những khách hàng thanh toán chậm. Rà soát các phương án huy động vốn, chuỗi cung ứng/tài sản để đảm bảo về nhu cầu sử dụng vốn.