Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học

ThS. Nguyễn Lê Nhân- Khoa Kế toán, Trường Đại học Duy Tân

Bài viết xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả đối với hoạt động đào tạo và học tập tại các trường đại học. Kết quả cho thấy, có 4 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên gồm: Phần thưởng, công nghệ thông tin, niềm tin vào tri thức và làm việc nhóm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Khái niệm về tri thức và chia sẻ tri thức

Có nhiều định nghĩa khác nhau về tri thức. Tri thức hay kiến thức bao gồm những kiến thức, thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi. Trong tiếng Việt, cả "tri" lẫn "thức" đều có nghĩa là biết (Hội Khai Trí Tiến Đức, Việt-Nam Tự-Điển, Trung-Bắc Tân-Văn, 1931).

Theo Davenport và cộng sự (1998), tri thức là một tập hợp bao gồm kinh nghiệm, giá trị, thông tin và sự hiểu biết có thể giúp cá nhân đánh giá, thu nhận thêm kinh nghiệm và thông tin mới. Hay tri thức là sự pha trộn của kinh nghiệm, các giá trị và thông tin theo ngữ cảnh.

Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học - Ảnh 1

Bender và cộng sự (2000) định nghĩa, tri thức bao gồm những dữ kiện, thông tin, sự mô tả, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm hay thông qua giáo dục và đúc rút kinh nghiệm. Cũng có nghiên cứu xem tri thức là một trạng thái của nhận thức, đối tượng, 15 quy trình, điều kiện truy cập thông tin hay khả năng của con người (Champika và các tác giả, 2009).

Hành vi chia sẻ tri thức là các hoạt động liên quan đến sự sẵn lòng của người lao động đối với việc chia sẻ tri thức của mình với những người khác trong tổ chức (Yun, Takeuchia & Liu, 2007), cụ thể như chủ động giao tiếp, tư vấn, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp một cách tự nguyện (Lin, 2011).

Tại các trường đại học hiện nay, các giảng viên đang thực hiện hành vi chia sẻ tri thức của mình với đồng nghiệp chủ yếu thông qua các hình thức sau: xuất bản sách, giáo trình; công bố kết quả nghiên cứu khoa học; tổ chức hội thảo, tọa đàm, seminar; thành lập các nhóm đọc (Group Reading), nhóm nghiên cứu…

Các mô hình lý thuyết về hành vi

+ Mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB): Mô hình được phát triển bởi Icek Ajzen vào năm 1988. Lý thuyết đề xuất một mô hình mà có thể đo lường hành động của con người được hướng dẫn. Nó dự đoán sự xuất hiện của một hành vi cụ thể, với điều kiện là hành vi cố ý. Ý định hành vi bị tác động bởi 3 yếu tố sau: thái độ, yếu tố chủ quan và cảm nhận kiểm soát.

+ Lý thuyết trao đổi xã hội: Được giới thiệu bởi Blau (1964), lý thuyết này đề cập đến việc khi chia sẻ tri thức với người khác sẽ tạo ra các cảm giác về sự biết ơn, niềm tin và nghĩa vụ đáp lại, qua đó, giúp họ thiết lập được những mối quan hệ xã hội tốt với những người được chia sẻ tri thức.

Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học - Ảnh 2

+ Lý thuyết nhận thức xã hội: Được giới thiệu bởi Bandura (1989), lý thuyết này nhấn mạnh vào tiến trình nhận thức của cá nhân thông qua việc học trung gian. Thực tiễn cho thấy, các cá nhân nếu như không chắc chắn về năng lực và kết quả tri thức mà họ chia sẻ thì họ sẽ không chia sẻ; ngược lại cá nhân nếu không tin vào năng lực và tri thức của người chia sẻ thì sẽ ngần ngại đối với việc tiếp nhận tri thức. Vì vậy, “niềm tin” được xem là trái tim của lý thuyết nhận thức xã hội.

+ Lý thuyết xây dựng xã hội: Được giới thiệu bởi Jonassen và các cộng sự (1995), lý thuyết này nhấn mạnh đến vai trò của xã hội đối với việc xây dựng nên kiến thức trong bộ não của mỗi cá nhân. Hay nói một cách khác, tri thức của mỗi cá nhân được định hình từ trải nghiệm của cá nhân đó với môi trường xung quanh, qua đó cải thiện kỹ năng và kiến thức. Do đó, môi trường tổ chức chính là tâm điểm của lý thuyết xây dựng xã hội.

Mô hình nghiên cứu

Thông qua lược khảo một số nghiên cứu trước đó, tác giả thấy rằng, có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên tại Đại học Duy Tân. Tác giả lập ra 29 biến quan sát, phân thành 6 nhóm và từng biến được đo lường bằng phân tích nhân tố gồm: (1) Niềm tin vào tri thức (NT): 5 biến; (2) Làm việc nhóm (LN): 5 biến; (3) Thích thú giúp đỡ người khác (TT): 5 biến; (4) Phần thưởng (PT): 5 biến; (5) Rủi ro chia sẻ tri thức (RR): 4 biến; (6) Công nghệ thông tin (CN): 5 biến; (6) Biến phụ thuộc: Hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên (HVCSTT): 3 biến.

Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học - Ảnh 3

Phương trình hồi quy của mô hình nghiên cứu có dạng: HVCSTT = β1.NT + β2.LN + β3.TT + β4.PT + β5.RR+ β6.CN

Trong đó: Niềm tin vào tri thức (NT); Làm việc nhóm (LN); Thích thú giúp đỡ người khác (TT); Phần thưởng (PT); Rủi ro chia sẻ tri thức (RR; Công nghệ thông tin (CN); và HVCSTT: Hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên của sinh viên.

Các giả thuyết nghiên cứu được đề xuất như sau:

H1: Niềm tin vào tri thức có ảnh hưởng cùng chiều với hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên.

H2: Làm việc nhóm có ảnh hưởng cùng chiều với hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên.

H3: Thích thú khi giúp đỡ người khác có ảnh hưởng cùng chiều với hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên.

H4: Phần thưởng có ảnh hưởng cùng chiều với hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên.

H5: Rủi ro chia sẻ tri thức có ảnh hưởng ngược chiều với hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên.

H6: Công nghệ thông tin có ảnh hưởng cùng chiều với hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu kết hợp giữa nghiên cứu định tính với nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được tiến hành thông qua phỏng vấn (qua email và thảo luận) 10 chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu. Nghiên cứu định lượng được thực hiện theo phương pháp thuận tiện, phát trực tiếp cho người được khảo sát. Số phiếu phát ra là 300 phiếu, thu về 282 phiếu hợp lệ. Thời gian khảo sát từ ngày 01/12/2020 đến 31/3/2021 (Bài viết sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).

Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học - Ảnh 4

Kết quả nghiên cứu

Đánh giá độ tin cậy của thang đo

Bảng 1 cho thấy, độ tin cậy của thang đo đối với các nhân tố, gồm: (1) Niềm tin vào tri thức (NT): 5 biến ; (2) Làm việc nhóm (LN): 5 biến; (3) Thích thú giúp đỡ người khác (TT): 5 biến; (4) Phần thưởng (PT):5 biến; (5) Rủi ro chia sẻ tri thức (RR): 4 biến; (6) Công nghệ thông tin (CN): 5 biến; (6) Biến phụ thuộc: Hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên (HVCSTT): 3 biến.

Kết quả phân tích trên phần mềm SPSS20 cho thấy, (lần kiểm định thứ nhất) nhóm biến thích thú giúp đỡ người khác (TT) thang đo bao gồm 5 biến quan sát. Kết quả kiểm định chất lượng thang đo cho thấy tương quan biến tổng của tất cả các biến quan sát biến thiên từ 0,118 đến 0,393 và hệ số α = 0,524 < 0.6. Vậy thang đo không đạt độ tin cậy cần thiết. Tiến hành loại nhóm biến này và kiểm định lại lần 2.

Trong kết quả kiểm định lần 2, sau khi loại nhóm biến thích thú khi giúp đỡ người khác (từ TT1 đến TT5), tiến hành kiểm định lại Cronbach Alpha lần 2 với 24 biến biến độc lập còn lại, ta có kết quả là tiếp tục loại các biến NT5, LN5, RR1, RR2, RR3, RR4, CN5 do các biến độc lập này có độ tương quan với biến tổng dưới 0,3. 

Sau 2 lần kiểm định Cronbach Alpha chỉ còn 17 biến biến độc lập, tiến hành kiểm định Cronbach Alpha lần 3 thì tất cả các biến quan sát còn lại là đạt yêu cầu do hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6. Đây là điều kiện để phân tích nhân tố khám phá (EFA).

Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học - Ảnh 5

Phân tích nhân tố khám phá EFA

Phân tích EFA của biến độc lập: Kết quả phân tích cho thấy, hệ số KMO là 0,830 (0,5 < KMO < 1). Đồng thời, kết quả kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa Sig. là 0,000 nhỏ hơn 0,05; các biến quan sát trong tổng thể có mối tương quan với nhau và chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp.

Phân tích EFA của biến phụ thuộc: Kết quả phân tích EFA của biến phụ thuộc cho thấy, hệ số KMO là 0,739 (0,5 < KMO < 1). Đồng thời, kết quả kiểm định Bartlett’s với mức ý nghĩa Sig. là 0,000 nhỏ hơn 0,05, các biến quan sát trong tổng thể có mối tương quan với nhau và chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp.

Bảng 2 cho thấy, R2 = 0,484, R2 hiệu chỉnh = 0,477. R2 > R2 hiệu chỉnh, nên nó dùng để đánh giá độ phù hợp của mô hình sẽ an toàn hơn, vì nó không thổi phồng mức độ phù hợp của mô hình. R2 hiệu chỉnh là 0.484, nghĩa là 48,4% sự biến thiên của biến phụ thuộc là hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên được giải thích bởi biến thiên của 4 biến độc lập.

Nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên đại học - Ảnh 6

Kiểm định mô hình hồi quy tuyến tính

Giá trị Sig. của phân tích ANOVA về sự phù hợp của mô hình hồi quy bằng 0,000 < 0,05, nên ta bác bỏ giả thiết H0, nghĩa là có mối quan hệ giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc.

Bảng 3 cho thấy, thống kê giá trị F = 64.960 được dùng để kiểm định giả thiết H0, mối quan hệ tuyến tính là rất có ý nghĩa với p_value < 0,05. Như vậy, các biến độc lập trong mô hình có quan hệ đối với biến phụ thuộc, sự tương quan tuyến tính với biến phụ thuộc với mức tin cậy 99%.

Kết quả phân tích các hệ số hồi quy trong mô hình cho thấy, mức ý nghĩa của các thành phần Sig.=0,000 (nhỏ hơn 0,05), do đó, các biến độc lập đều có tác động đến Hành vi chia sẻ tri thức. Tất cả các thành phần đều có ý nghĩa trong mô hình và tác động cùng chiều đến hành vi chia sẻ tri thức, do các hệ số hồi quy đều mang dấu dương.

Phương trình hồi quy tuyến tính đa biến của nghiên cứu này có dạng:

Hồi quy chưa chuẩn hóa là: HVCSTT = -3.770E-017 + 0.465PT + 0.403CN + 0.192LN+0.261NT+e.

Hồi quy đã chuẩn hóa là: HVCSTT* = 0.465PT* + 0.403CN* + 0.192LN* + 0.261NT*.

Kết luận và khuyến nghị

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 nhân tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên, bao gồm: “Phần thưởng, công nghệ thông tin, làm việc nhóm, niềm tin vào tri thức”.

Đóng góp của từng biến theo thứ tự tầm quan trọng giảm dần, đó là: Biến “Phần thưởng” đóng góp 35,20%, biến “Công nghệ thông tin” đóng góp 30,51%, biến “Niềm tin vào tri thức đóng góp 19,76%, biến “Làm việc nhóm” đóng góp 14,53%.

Thông qua kiểm định, có thể khẳng định, các nhân tố ảnh hưởng đến đến hành vi chia sẻ tri thức của sinh viên theo thứ tự tầm quan trọng là: Phần thưởng, Công nghệ thông tin, Niềm tin vào tri thức, Làm việc nhóm.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả hàm ý một số vấn đề sau:

Một là, phần thưởng ở đây không mang ý nghĩa vật chất mà nó ghi nhận kịp thời, sự tôn vinh của tập thể đối với người chia sẻ tri thức. Dó đó, nên quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần, nguyện vọng của sinh viên; cần có chính sách đãi ngộ nhân tài hiệu quả, tạo ra cơ hội cho những sinh viên có năng lực chia sẻ tri thức thưc sự nhằm phát huy giá trị của nguồn trí tuệ.

Hai là, xây dựng quy trình làm việc phù hợp với hệ thông thông tin phù hợp. Một quy trình công nghệ thông tin phù hợp phải đảm bảo sao cho tri thức được lưu thông dễ dàng, thuận tiện trong kết nối. Qua đó, không chỉ tri thức được chia sẻ trong một bộ phận nhất định mà giữa các phòng ban, đơn vị cũng có thể học tập, bổ sung kiến thức cho nhau.

Ba là, tạo ra môi trường làm việc nhóm cởi mở, xóa bỏ dần các rào cản trong giao tiếp, khuyến khích làm việc theo nhóm nhằm thúc đẩy sự tương tác giữa các thành viên với nhau.

Bốn là, xây dựng một hệ thống giá trị niềm tin vào tri thức đủ mạnh nhằm khích lệ tinh thần chia sẻ tri thức của các cá nhân. Niềm tin, sự tin tưởng là yếu tố cốt lõi để tạo ra và duy trì các mối quan hệ giữa con người với con người, trong đó có mối quan hệ trao đổi thông tin, tri thức trong một tổ chức.        

Tài liệu tham khảo:

1. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931), Việt-Nam Tự-Điển, Trung-Bắc Tân-Văn;

2. Bùi Thị Thanh (2014), Các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi chia sẻ tri thức với đồng nghiệp của Giảng viên trong các trường Đại học, Tạp chí Kinh tế & Phát triển,199 tháng 01/2014;

3. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Lao động-Xã hội;

4. Hoàng Trọng & Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS, tập 1 &2, TP. Hồ Chí Minh: NXB Hồng Đức;

5. De Long, D.W. & Fahey, L. (2000), Diagnosing cultural barriers to knowledge management, Academy of Management Executive, 14(4), 113-127.

(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021