Phương pháp chuyển đổi báo cáo tài chính kế toán Việt Nam theo Chuẩn mực quốc tế


Lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế giúp các doanh nghiệp Việt Nam hội nhập nhanh hơn vào kinh tế thế giới, qua đó có thể tiếp cận được các nguồn vốn nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh, cung cấp chính xác hơn những thông tin về tình hình tài chính kế toán của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, việc chuyển đổi báo cáo tài chính từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam sang Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế hiện nay tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Bài viết nghiên cứu đưa ra một số giải pháp, kiến nghị về vấn đề này.

Tổng quan về VAS, IFRS

Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS): được xây dựng dựa trên các Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và hệ thống Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS) từ những năm 2000 - 2005 theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và trình độ quản lý của doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại thời điểm ban hành chuẩn mực kế toán (CMKT). Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và ban hành được 26 CMKT.

IFRS là một bộ CMKT được thiết kế và phát triển bởi một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận được gọi là Hội đồng CMKT quốc tế (IASB). Tính đến nay, IASB đã xây dựng được 43 IAS/IFRS (bao gồm cả IFRS cho các DN vừa và nhỏ), trong đó có 27 IAS và 16 IFRS. IFRS đang được áp dụng tại 166 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó 144 quốc gia đã yêu cầu bắt buộc áp dụng IFRS đối với các đơn vị có lợi ích công chúng và các tổ chức tín dụng. Việt Nam là 1 trong 22 nước còn lại chưa yêu cầu bắt buộc áp dụng IFRS.

Những lợi ích của việc chuyển đổi báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế

Việc chuyển đổi BCTC sang IFRS mang lại những lợi ích sau:

- IFRS giúp cho việc huy động vốn nước ngoài trở lên dễ dàng hơn. IFRS tạo sự minh bạch, đồng thời, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình bằng cách giảm bớt lỗ hổng thông tin giữa nội bộ và bên ngoài công ty, do vậy lập BCTC theo IFRS sẽ làm tăng tính minh bạch của thông tin, từ đó giúp các công ty có thể tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế, cũng như nâng cao uy tín và thương hiệu của DN.

- IFRS hỗ trợ giảm thiểu chi phí về vốn và chi phí báo cáo. Lập BCTC theo IFRS giúp gia tăng tính tin cậy về thông tin DN, thông qua đó DN sẽ tăng khả năng huy động dòng vốn đầu tư nước ngoài, giảm thiểu chi phí phát hành chứng khoán để huy động vốn. Mặt khác, khi áp dụng theo IFRS các công ty đa quốc gia sẽ không phải lập hai bộ BCTC theo hai chuẩn mực khác nhau (một bộ BCTC theo chuẩn mực của quốc gia để nộp cho các cơ quan quản lý và một bộ BCTC theo IFRS để báo cáo cho công ty mẹ). Vì vậy, sẽ giúp các công ty này có thể sử dụng và trình bày BCTC trên cùng một ngôn ngữ, từ đó giúp tiết kiệm chi phí khi lập BCTC.

- IFRS giúp đánh giá giá trị của DN hợp lý hơn. Với các yêu cầu về việc ghi nhận theo giá trị hợp lý, BCTC theo IFRS sẽ giúp đánh giá giá trị của DN hợp lý hơn, chính xác hơn.

Thấy gì từ chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS theo tiêu chuẩn quốc tế?

Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng hơn 10 đơn vị trên thị trường lập BCTC theo IFRS. Đó là các tổ chức tín dụng có nhu cầu huy động vốn hoặc các DN FDI có nhu cầu lập BCTC phù hợp với yêu cầu chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, các công ty này đều lập đồng thời 2 BCTC theo VAS và IFRS. Cụ thể, BCTC lập theo VAS sẽ được gửi cho các cơ quan có thẩm quyền cũng như sử dụng cho mục đích quản lý; BCTC lập theo IFRS được dung để gửi các tổ chức quốc tế.

Sự khác biệt của VAS so với IFRS trong chuyển đổi báo cáo tài chính

Thứ nhất, khác với VAS, IAS không bắt buộc về hình thức như biểu mẫu báo cáo thống nhất, hệ thống tài khoản kế toán thống nhất, hình thức sổ kế toán, mẫu các chứng từ gốc thống nhất.

Thứ hai, về giá trị hợp lý trong kế toán, trong IAS/IFRS, giá trị hợp lý được sử dụng tương đối hệ thống và có hướng dẫn cụ thể trong định giá và ghi nhận các yếu tố của BCTC, còn VAS vẫn ghi nhận giá theo giá gốc. Khái niệm về giá trị hợp lý mới được nhắc đến một cách chính thức trong Luật Kế toán áp dụng từ ngày 01/01/2017.

Trong thực tế, cho đến nay vẫn chưa có chuẩn mực chính thức nào quy định về giá trị hợp lý, danh mục các tài sản và nợ phải trả cụ thể được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, hay phương pháp đánh giá giá trị hợp lý cũng như phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.

Thứ ba, VAS chưa có quy định cho phép đánh giá lại tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo. Từ đó, làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra các tài sản và nợ phải trả được phân loại là công cụ tài chính làm suy giảm tính trung thực, hợp lý của BCTC và chưa phù hợp với IAS/IFRS.

Thứ tư, hệ thống BCTC, một số nội dung, khoản mục trên BCTC theo VAS chưa đầy đủ hoặc chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể gồm:

(i) Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu chưa được trình bày riêng thành một báo cáo độc lập, trong khi theo IFRS, báo cáo này được trình bày thành một báo cáo riêng biệt trong hệ thống BCTC.

(ii) Một số chỉ tiêu chưa được phân loại và trình bày phù hợp với nguyên tắc trọng yếu và tập hợp. Ví dụ: Chỉ tiêu hàng tồn kho (Mã số 141) là tập hợp của hàng mua đang đi đường, nguyên vật liệu, công cụ, chi phí sản xuất dở dang, thành phẩm, hàng hóa, hàng gửi đi bán, hàng hóa kho bảo thuế, trong khi với IFRS, từng khoản mục có thể trọng yếu đối với từng loại hình DN và cần phải trình bày riêng biệt.

(iii) VAS chưa đề cập đến các khoản chiết khấu khi trình bày các khoản phải thu trên báo cáo tình hình tài chính. Hiện nay, BCTC chỉ trình bày riêng lẻ khoản mục phải thu khách hàng mà không nhắc tới khoản chiết khấu phát sinh trong quá trình mua hàng như chiết khấu thanh toán… Trong khi đó, IASB quy định, các khoản phải thu cần tính đến các khoản khấu trừ, chiết khấu cho trước hoặc ngay thời điểm khách hàng thanh toán để trình bày số thuần trên báo cáo (nếu trọng yếu).

(iv) Các khoản đầu tư chứng khoán ngắn hạn và đầu tư chứng khoản dài hạn theo VAS được trình bày theo giá gốc, có trích lập dự phòng. Luật Kế toán 2017 có đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, thực hành chi tiết. Còn IASB đã quy định các khoản này phải được đánh giá theo giá trị hợp lý, nếu có dấu hiệu khoản đầu tư bị giảm giá trị thì áp dụng chuẩn mực duy giảm giá trị tài sản.

(v) Lãi hoạt động kinh doanh bao gồm cả hoạt động tài chính. Theo quy định hiện hành, chỉ tiêu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gồm cả doanh thu và chi phí tài chính (bao gồm các khoản lãi/lỗ do đầu tư cổ phiếu và chi phí lãi vay). Trong khi các khoản lãi/lỗ bán cổ phiếu vốn không phải của hoạt động mang tính thường xuyên của công ty lại được hiểu là kết quả hoạt động chủ yếu của công ty. Điều này vừa không phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa dễ tạo ra sự không minh bạch về thông tin, thậm chí gây bất lợi cho nhà đầu tư.

- Không trình bày tách bạch các hoạt động tiếp tục phát sinh khỏi các hoạt động gián đoạn trong thuyết minh BCTC. Trong khi IFRS 5 đã yêu cầu thực hiện công việc này.

- Một số thông tin có thể hữu ích cho người sử dụng chưa được quy định như một thông tin tối thiểu được trình bày trên thuyết minh BCTC như: Thuyết minh về ngày đáo hạn của các khoản nợ phải thu, phải trả trọng yếu, trích lập dự phòng các khoản đầu tư chứng khoán, trái phiếu chuyển đổi ở các công ty niêm yết, lợi nhuận tổng hợp; Thuyết minh các hoạt động bị gián đoạn, các xét đoán và các khía cạnh không chắc chắn mà lãnh đạo sử dụng trong quá trình lập BCTC.

Các chuẩn mực còn thiếu của VAS so với IFRS

Các chuẩn mực còn thiếu của VAS so với IFRS được thể hiện những nội dung sau: Nhóm các chuẩn mực công cụ tài chính (IAS 32, IFRS 7, IFRS 9); Chuẩn mực về tổn thất tài sản (IAS 36); Chuẩn mực về nông nghiệp (IAS 41); Chuẩn mực về tài sản dài hạn nắm giữ để bán và hoạt động không liên tục (IFRS 5); Chuẩn mực về giá trị hợp lý (IFRS 13); Chuẩn mực về báo cáo tài chính trong các nền kinh tế siêu lạm phát (IAS 29).

Thách thức của việc chuyển đổi báo cáo tài chính từ Chuẩn mực kế toán Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế

Trong quá trình chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS gặp phải một số khó khăn, thách thức sau:

- Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường tự do, tuy nhiên, mức độ phát triển kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam còn hạn chế. Đây là lý do khiến thị trường chưa cung cấp đủ các dữ liệu để có thể đánh giá, ghi nhận theo giá trị hợp lý của IFRS.

- Trình độ và khả năng tiếng Anh của người làm công tác kế toán tại các DN ở Việt Nam còn hạn chế. Ở Việt Nam vẫn tồn tại một thế hệ kế toán và đội ngũ cán bộ quản lý trưởng thành và được đào tạo trong nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp. Họ quá quen thuộc với hệ thống kế toán cũ và chịu ảnh hưởng rất lớn vào những nguyên tắc và hướng dẫn vốn rất thận trọng, bảo thủ và hạn chế nhiều tính chủ động trong việc đưa ra các quyết định liên quan, do đó họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận và thực hành với phương pháp mới của kế toán trong nền kinh tế thị trường.

- Việc áp dụng và thực hiện IFRS đòi hỏi phải bỏ ra các khoản chi phí đầu tư và duy trì khá lớn. Đó là việc xây dựng lại hệ thống các quy trình thu thập, xử lý và cung cấp thông tin, số liệu kế toán, tài chính; Thay đổi hệ thống phần mềm và đào tạo lại cho nhân viên để chuyển đổi lại hệ thống báo cáo. Chi phí phải bỏ ra để thực hiện những thay đổi trên, đặc biệt là sự thay đổi phần mềm kế toán là không hề nhỏ nhất là đối với các tập đoàn, tổng công ty lớn.

Đề xuất một số giải pháp

Để khắc phục những khó khăn, thách thức về việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS, thời gian tới cần triển khai một số giải pháp sau:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật

- Ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết đối với việc áp dụng những CMKT Việt Nam được xây dựng theo CMKT quốc tế đã được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn vận dụng rõ ràng với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

- Đưa ra sự điều chỉnh phù hợp các nội dung khác biệt của VAS so với IFRS, từ đó giúp các công ty hiểu rõ và dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi BCTC.

- Ban hành những chuẩn mực kế toán, thông tư hướng dẫn còn thiếu của VAS so với IFRS; đồng thời, hoàn thiện đề án áp dụng CMKT quốc tế vào Việt Nam để giúp việc chuyển đổi từ VAS sang IFRS dễ dàng hơn.

Nâng cao trình độ chuyên môn về IFRS của người làm công tác quản lý và kế toán

- Cần nâng cao kiến thức IFRS cho cán bộ làm công tác kế toán tại các cơ quan quản lý nhà nước và DN.

- Đào tạo, nâng cao trình độ tiếng Anh chuyên ngành kế toán cũng như đào tạo, cập nhật kiến thức về VAS và IFRS cho những người làm công tác kế toán...

- Cải tiến chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán kiểm toán tại các trường đại học ở Việt Nam thông qua việc giảng dạy, cập nhật các kiến thức về IFRS cho sinh viên.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của IFRS

- Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá đến các loại hình DN về lợi ích của IFRS, để giúp DN hiểu biết hơn về IFRS và những lợi ích khi chuyển đổi và lập BCTC theo IFRS.

- Ban quản trị/Ban giám đốc các DN cần thấy được lợi ích mang lại của chuyển đổi BCTC sang IFRS, việc công bố thông tin tài chính minh bạch, trung thực theo yêu cầu của IFRS.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính, 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam;
  2. Hà Xuân Thạch, Nguyễn Ngọc Hiệp (2018), Những nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi báo cáo tài chính từ chuẩn mực kế toán Việt Nam sang chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế;
  3. Đỗ Thị Tuyết, Phạm Thị Mỵ (2018), Vận dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam;
  4. Phan Thị Hồng Đức (2017), Thay đổi hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam bằng Chuẩn mực kế toán quốc tế: Liệu Việt Nam có sẵn sàng;
  5. Nguyễn Đăng Huy (2017), Sự hòa hợp giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế.