Tỉnh Bến Tre:

Rà soát tháo gỡ ách tắc trong vận chuyển hàng hóa

Theo Thạch Thảo/Báo Đồng Khởi

Không chỉ thực phẩm, nhu yếu phẩm mới được xem là hàng hóa thiết yếu, quan điểm của Bộ Công Thương, hiện nay hàng hóa nào cũng là hàng thiết yếu. Lưu thông hàng hóa đang ách tắc do mỗi nơi áp dụng mỗi cách khác nhau trong kiểm soát các loại giấy tờ đối với xe vận tải khi đi qua chốt. Tỉnh Bến Tre cần rà soát lại các văn bản và thống nhất các loại giấy tờ cần kiểm tra tại các chốt kiểm soát, nhằm tránh gây khó khăn, phát sinh kinh phí cho người dân.

Xe vận chuyển hàng hóa tại địa bàn huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc
Xe vận chuyển hàng hóa tại địa bàn huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc

Một số rào cản

Trong khoảng 10 ngày trở lại đây, liên tục xuất hiện nhiều ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến các yêu cầu đi lại tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, một cơ sở dừa tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, xe cơ sở chế biến dừa từ An Thạnh đi TP. Bến Tre, mặc dù đã có đầy đủ giấy tờ cần thiết nhưng khi qua chốt kiểm soát địa bàn xã Đa Phước Hội (Mỏ Cày Nam) thì không qua được với lý do “cơm dừa không phải hàng thiết yếu”.

Chủ cơ sở cho biết: “Không chỉ riêng xe của tôi mà hàng dài xe đậu tại chốt xã Đa Phước Hội không được qua. Cơm dừa là mặt hàng nhanh hư hỏng. Cơ sở chúng tôi phải hủy bỏ hàng hóa như cơm dừa, nước dừa khi không được qua các chốt”.

Ở một chốt khác trên địa bàn huyện thì người gác chốt không xem giấy, không cho xe đi với lý do “giờ giấy giả không”. Sự điều hành chưa thống nhất của các chốt kéo theo hàng loạt khó khăn cho người dân… Đến khi chủ cơ sở này gọi điện phản ánh cho lãnh đạo huyện nhờ can thiệp thì các chốt mới cho xe qua.

Trên tỉnh lộ 885 ở huyện Giồng Trôm, nhiều chủ xe cho biết, tỉnh lộ 885 không nằm trong cung đường “luồng xanh” Bến Tre. Do đó, xe dù đã được cấp giấy “luồng xanh” muốn đi qua chốt đó phải xin giấy xác nhận của phòng phụ trách quản lý hạ tầng. Một chủ xe khác nói, xe bị kẹt ngay chốt tỉnh lộ 885 có “luồng xanh” vẫn không cho qua.

Hệ thống đăng ký “luồng xanh” không có tỉnh lộ 885 và 887 giờ làm sao đây? Nên chăng cắm biển báo đầu đường và cuối đường cho xe tải không được vào, sẽ hợp lý hơn, để xe vào tới cầu Chẹt Sậy thì lại không cho qua. 

Một chủ xe khác thông tin, xe đi phà Đình Khao (thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Long) tới chốt huyện Chợ Lách quét mã vạch “luồng xanh” ra kết quả: quốc lộ 57 - phà Đình Khao - quốc lộ 57 - Thạnh Phú, chốt này bắt bẻ “phải có chữ Chợ Lách mới cho qua, không có thì quay đầu về, không cho qua”, trong khi huyện Chợ Lách nằm trên cung đường quốc lộ 57 từ huyện Thạnh Phú đi phà Đình Khao thì ai cũng biết.

Rà soát để tháo gỡ

Chiều ngày 25/8/2021, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước về vận chuyển hàng nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đại diện Bộ Công Thương. Điểm cầu tỉnh do Giám đốc Sở Giao thông vận tải Cao Minh Đức chủ trì.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống kê khó khăn tại các tỉnh trong vận chuyển hàng nông nghiệp. Cụ thể, một số chốt hiện vẫn cho xe quay đầu dù có mã QRcode “luồng xanh”; chỉ cấp giấy cho 2 người trong một doanh nghiệp để thực hiện vận chuyển hàng hóa.

Một số tỉnh không cho xe dừng đỗ trên địa bàn tỉnh; bắt buộc thay đổi phụ xe, lái xe khi vào địa bàn tỉnh (đối với những lái xe đi từ tỉnh vùng dịch). Các tỉnh có hiện tượng không công nhận giấy (giấy đi đường) của nhau; đặt ra nhiều quy định riêng như phải test nhiều lần, giấy xét nghiệm âm tính hiệu lực không quá 48 giờ (thay vì quy định chung là 72 giờ)…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, số lượng hàng hóa đang ứ đọng, nếu lưu thông hàng hóa không được tháo gỡ sẽ dẫn tới thiếu vật tư nông nghiệp cho vụ mùa sản xuất sắp tới.

Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, hiện cần phải nhìn nhận hàng nào cũng là hàng hóa thiết yếu, trong khi đó giấy tờ đi qua các địa phương lại không thống nhất, gây khó khăn cho lưu thông hàng hóa, Vụ đã kiến nghị 8 nội dung nhằm tháo gỡ những vướng mắc.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể kết luận: Để thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, tất cả hàng hóa đều là hàng thiết yếu quan trọng. Đề nghị các địa phương rà soát lại các văn bản gây khó khăn, phát sinh kinh phí cho người dân thì phải điều chỉnh ngay. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Không để ùn tắc giao thông ở bất cứ vị trí nào. Chấp nhận kết quả kiểm tra COVID-19 của các địa phương, ưu tiên tiêm vắc-xin cho các lái xe. Thời gian cấp mã QR code “luồng xanh” khai báo xong là cấp mã luôn hoặc tối đa 12 giờ, chứ không phải 24 giờ.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đến ngày 24/8/2021, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải đường bộ cho khoảng 410 ngàn xe. Riêng tại tỉnh, qua hồ sơ tiếp nhận đăng ký “luồng xanh”, có 2.500 giấy nhận diện phương tiện có mã QR code đã được cấp.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh), ngành giao thông vận tải tỉnh và Công an tỉnh Bến Tre đã có trao đổi về việc thống nhất các quy định đối với xe vận tải hàng hóa khi đi qua các chốt kiểm soát. Dự kiến, tỉnh sẽ triển khai vào tháng 9/2021, nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, nông sản đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.