Siết chặt quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng tại Việt Nam

Huyền Trang

Tại Việt Nam, thời gian qua, hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) đã có bước phát triển đáng kể, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, cần cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ hơn.

Mô hình cho vay ngang hàng du nhập vào Việt Nam từ năm 2016
Mô hình cho vay ngang hàng du nhập vào Việt Nam từ năm 2016

P2P Lending là mô hình kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp giữa người vay với người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính.

Nhiệm vụ chính của công ty P2P Lending là cung cấp nền tảng công nghệ để kết nối nhà đầu tư và bên vay, tiếp nhận đơn vay vốn, thẩm định và chấm điểm bên vay, quyết định cho vay và đưa ra mức lãi suất cho vay ứng với mức độ rủi ro; Thực hiện phân bổ nguồn vốn huy động được để cho vay, thu hồi nợ và trả cho nhà đầu tư; Thực hiện đầu tư công nghệ, nhân sự, công cụ và phân tích dữ liệu khách hàng.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Họ hầu hết không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng có nhu cầu rất lớn về vay mượn, do đó, P2P Lending có một sự phát triển vượt bậc.

Mô hình P2P Lending du nhập vào Việt Nam từ năm 2016, đến nay trên thị trường đã có hơn 40 công ty hoạt động theo mô hình này như: Tima, Trustcircle, We Cash, Interloan, Lenbiz, Vnvon.com... Các công ty này hoạt động chủ yếu theo mồ hinh P2P Lending truyền thống, vận hành nền tảng trực tuyến kết nối giữa người vay và người cho vay.

Các nền tảng này cho phép các cá nhân tra cứu thông tin và thực hiện giao dịch vay tiền qua nhiều kênh như website, ứng dụng di động, facebook, zalo hoặc đường dây nóng mà không cần đến văn phòng để ký kết giấy tờ. Quyết định cho vay sẽ được phản hồi rất nhanh trong ngày hoặc tối đa là một tuần. Các điều kiện vay vốn, yêu cầu về hồ sơ vay vốn mà các nền tảng này đưa ra hết sức đơn giản so với yêu cầu của các ngân hàng. Đổi lại, lãi suất cho vay lại cao hơn so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng.

Mặc dù có sự chênh lệnh nhiều về lãi suất nhưng các nền tảng ở Việt Nam vẫn có thị phần của riêng họ là những cá nhân, những doanh nghiệp vừa và nhỏ cần giải ngân gấp nhưng lại không đủ điều kiện vay vốn, không chứng minh được quá nhiều giấy tờ theo như yêu cầu của ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những nền tảng P2P Lending có công bố thông tin minh bạch và chính xác, vẫn còn nhiều nền tảng chưa rõ nguồn gốc và tính hợp pháp. Thị trường cho vay ngang hàng đã vô tình trở hành một nơi lý tưởng cho hoạt động tín dụng đen, tiềm ảnh nhiều rủi ro cho các bên.

Ở Việt Nam, cho vay là một trong các hoạt động cốt lõi của ngân hàng, được cấp phép và quản lý hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước. Không phải là tổ chức tín dụng không được phép thực hiện các hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, những quan hệ vay mượn trực tiếp không mang tính chất kinh doanh giữa các cá nhân và tổ chức thì vẫn được xem là những giao dịch dân sự hợp pháp nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Như vậy, các công ty P2P Lending chưa được cấp phép hoạt động, cho nên các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường đăng ký là công ty tư vấn đầu tư. Cho vay là một trong các hình thức cấp tín dụng và bị điều chỉnh bởi Luật Các tổ chức tín dụng nhưng P2P Lending thì không bị điều chỉnh bởi Luật này mà chỉ bị điều chỉnh theo Bộ luật Dân sự 2015. Điều này cho thấy, Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý hoạt động P2P Lending và các công ty cung cấp sản phẩm này.

P2P Lending là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên kinh tế số. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cần đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Cụ thể:

Thứ nhất, sớm ban hành khuôn khổ pháp lý cho hoạt động P2P Lending nhằm bảo vệ nhà đầu tư và người vay, trong đó có quy định về điều kiện các thành viên tham gia thị trường, quy chế quản lý thị trường, quy chế cho vay, cơ chế báo cáo, giám sát, biện pháp quản lý bảo vệ nhà đầu tư...

Thứ hai, thành lập cơ quan chuyên ngành quản lý P2P Lending thuộc Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các hiệp hội, nhằm quản lý có hiệu quả  hoạt động P2P Lending.

Thứ ba, thiết lập bộ tiêu chuẩn nội bộ áp dụng đối với các công ty P2P Lending (khi thành lập phải xây dựng được một hệ thống chấm điểm rủi ro tín dụng công khai, minh bạch và xây dựng quy trình thẩm định người đi vay, theo dõi giám sát sau khi cho vay, bảo đảm người vay phải tuân thủ đúng các quy định của hợp đồng...).

Thứ năm, đẩy mạnh giáo dục tài chính, giúp cho người dân nâng cao khả năng nhận thức về dịch vụ P2P Lending.