Bẻ lái chiến thuật

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) TS. Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức cho rằng, cần bẻ lái chiến thuật để vượt qua quãng đường nhiều chông gai phía trước.

"Ngấm đòn" từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau 5 năm vật lộn với sự bế tắc của thị trường bất động sản đã có không ít doanh nghiệp kinh doanh địa ốc chấp nhận bỏ cuộc, bán lại công ty hoặc chọn lĩnh vực khác đầu tư để chờ "ló dạng vài tia nắng yếu ớt từ bình minh", theo cách ví von của ông Lê Chí Hiếu.

Năm 2013, ThuDuc House (TDH) là một trong những doanh nghiệp bất động sản sớm rẽ lối sang lĩnh vực xuất khẩu để bảo toàn tài sản, tạo lợi nhuận duy trì hoạt động. Lĩnh vực mà công ty chọn để "bẻ lái" là xuất khẩu nông lâm sản, cũng là "điểm tựa" của công ty trong năm nay với kế hoạch doanh thu đạt từ 30-40 triệu USD. Ông Lê Chí Hiếu và ThuDuc House có cán đích?

Lãi suất ngân hàng "ăn mòn" lợi nhuận

Phóng viên: Quyết định xuất khẩu nông lâm sản có phải là giải pháp tình thế cho ThuDuc House khi thị trường bất động sản bị đóng băng không thưa ông?

Bẻ lái chiến thuật - Ảnh 1
TS. Lê Chí Hiếu,
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức

TS. Lê Chí Hiếu: Không hẳn vậy. Chúng tôi đã đầu tư vào chợ đầu mối Thủ Đức được hơn 10 năm nay rồi. Xuất khẩu nông lâm sản là bước kế tiếp nhằm tận dụng những lợi thế có sẵn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận khi thị trường bất động sản đang ngập trong gian khó, xuất khẩu nông lâm sản sẽ đóng vai trò là chiến lược kinh doanh then chốt cho ThuDuc House năm nay.

Riêng năm qua, chúng tôi chỉ mới xuất thử một số sản phẩm như sắn lát, phân bón, bắp… và đã thu về khoảng 5 triệu USD (100 tỉ đồng). Năm nay, nếu việc ký kết thuận lợi, doanh thu từ xuất khẩu ước tính có thể đạt từ 30 - 40 triệu USD.

Trong những sản phẩm nông lâm sản mà công ty sẽ xuất khẩu, đâu là sản phẩm chủ lực thưa ông?

Thực tế, xuất khẩu nông lâm và khoáng sản thường mang lại doanh thu lớn nhưng lợi nhuận thấp. Chúng tôi xuất khẩu sắn lát chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Đầu năm mới công ty đã xuất được 6.000 tấn sắn lát và hiện đang thực hiện hợp đồng 15.000 tấn nữa sang Trung Quốc. Sản phẩm thứ 2 là cát biển. Chúng tôi khai thác cát biển, đá xuất sang Singapore để họ làm các công trình lấn biển, dự kiến doanh thu từ các sản phẩm này là khoảng 20 triệu USD trong năm nay.

Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với một đơn vị ở Bình Thuận trồng 300 ha bắp xuất đi Nhật Bản. Trước mắt, chỉ trồng phân nửa diện tích đó thôi. Bên cạnh đó, công ty sẽ xuất gỗ dăm với nguồn nguyên liệu được cung cấp từ các nước lân cận. Chúng tôi còn nhập hạt điều từ châu Phi về chế biến rồi xuất sang Úc. Mặc dù làm nhiều sản phẩm, nhưng nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty sẽ là cát biển, sắn lát và gỗ dăm.

Những thông tin ông chia sẻ về việc "bẻ lái" khá ấn tượng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của công ty năm qua thì lãi suất ngân hàng phải trả quá lớn khiến cho lợi nhuận của công ty thu về khá khiêm tốn?

Có lợi nhuận là may rồi. Kinh doanh bất động sản lúc này mà có lãi thu về hơn 10 tỉ đồng như ThuDuc House phải công nhận là quá tốt chứ! Thực tế, trong năm qua lãi suất ngân hàng đã "ăn mòn" lợi nhuận thu về của công ty. Kế hoạch lợi nhuận toàn tập đoàn năm nay là 80 tỉ đồng, 50% trong số này sẽ đến từ xuất khẩu.

Thị trường đang củng cố niềm tin

Dựa vào đâu ông sớm đưa ra dự báo là 6 tháng cuối năm nay thị trường bất động sản sẽ hồi sinh?

Vấn đề của thị trường bất động sản liên quan đến những nút thắt chính sách là chủ yếu. Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và cả Thông tư 02 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc chuyển đổi căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội… được giới kinh doanh địa ốc đánh giá cao. Tuy nhiên, khi áp dụng thực tế mỗi địa phương lại có một cách hiểu, quản lý riêng gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, những địa phương ngại bùng nổ dân số dẫn đến quá tải hạ tầng đã không cấp phép cho nhà đầu tư thực hiện theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng là cho chia nhỏ, chuyển đổi căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội.

Lòng vòng như vậy nên Nghị quyết và Thông tư 02 đến nay cũng chưa đi vào thực tế như mong muốn. Tiếp nữa là gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng. Theo tôi, nếu mở rộng đối tượng hưởng gói hỗ trợ này, các nhà đầu tư nhà ở thương mại cũng có thể tiếp cận nguồn vốn này, giúp đồng vốn được giải ngân và quay vòng tốt và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Với tất cả những yếu tố trên, nếu tháo được những nút thắt về quản lý chính sách đồng bộ từ trên xuống dưới, tôi cho rằng thị trường sẽ ấm dần lên từ tháng 6/2014 trở đi, nhưng để hồi phục thì phải mất một thời gian dài nữa.

Như vậy, thị trường bất động sản chưa có gì đáng gọi là lạc quan nếu các nút thắt chính sách không được tháo gỡ?

Đúng. Vì vậy 2014 chỉ là năm thị trường đang củng cố niềm tin và có chăng sẽ xuất hiện dăm ba tia nắng yếu ớt chứ chưa có xu hướng nào rõ rệt.

Năm qua, thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận hạ giá để bán cắt lỗ một số dự án bất động sản. Kế hoạch mua bán sáp nhập của TDH năm nay có gì mới?

Đúng là có nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán dưới giá thành để cắt lỗ. TDH cố gắng giữ giá nhưng do lãi suất ngân hàng quá lớn, coi như đã lỗ rồi. Theo tôi quan sát, giá cả đôi khi chưa phải là yếu tố quyết định khách hàng mua nhà hay không mà là chất lượng dự án, uy tín của nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua nhà của khách hàng. Về kế hoạch kinh doanh, ngoài việc liên kết đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đã tiến hành đóng cửa bớt những công ty con làm ăn không hiệu quả.

Khó khăn lớn nhất của công ty lúc này là vốn để mở rộng và tiếp tục đầu tư một số dự án dở dang. Trước đây, kế hoạch phát hành 600 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi đã không thành công, TDH chỉ mới phát hành được hơn 200 tỉ đồng, bởi so với các doanh nghiệp khác TDH vay ít, nhưng lãi suất cao khiến lợi nhuận thu về không lớn. Chính vì thiếu vốn nên trong kế hoạch năm nay công ty dự định trình xin phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giải pháp thứ 2 là mời gọi vốn đầu tư nước ngoài và cuối cùng là bán bớt một vài danh mục đầu tư bất động sản.

Sau 5 năm "ngấm đòn" khủng hoảng, ông có nhận xét gì về đội ngũ doanh nhân Việt?

Cộng đồng doanh nhân thực ra chỉ mới trưởng thành chưa tới 30 năm, nhưng lại đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng tài chính "thể kỷ" vào các năm 1997 và 2008. Quả là những cú sốc quá lớn mà nếu không có ý chí và bản lĩnh chắc hẳn nhiều doanh nhân đã "gục" từ lâu rồi. Tuy nhiên, do còn trẻ và hạn chế về kinh nghiệm nên doanh nhân Việt Nam khi rơi vào vòng xoáy khủng hoảng thường tỏ ra bế tắc, chán nản và luôn lo lắng. Vì lẽ đó, ai "sống sót" và "sống tốt" tôi đều đánh giá cao khả năng sinh tồn của họ. Những gì đội ngũ doanh nhân Việt đã và đang nỗ lực làm để tìm vị thế trong hội nhập là điều đáng trân trọng.

Là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, theo quan sát của ông, số hội viên tham gia sinh hoạt tại hội có sụt giảm nhiều không?

Tôi không nắm rõ con số, nhưng qua quan sát thì có thể hội viên đến sinh hoạt tại Hiệp hội đã giảm khoảng 50%.

Xin cảm ơn ông!