Cạnh tranh từng… centimet

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Trong thời gian qua việc khó tăng trưởng tín dụng khiến các ngân hàng vất vả không kém việc doanh nghiệp (DN) đến ngân hàng vay vốn.

Cạnh tranh từng… centimet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nếu không có những quy chế nhất định, các ngân hàng yếu thế hơn sẽ khó có thể tìm kiếm được khách hàng tốt vì những ngân hàng lớn luôn có lợi thế nhất định trong việc quyết định lãi suất cho vay. Điều này sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và cái giá phải trả vẫn là câu chuyện nợ xấu.

Sáng 20/9, hơn 2.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng cam kết giải ngân cho hai dự án lớn của quốc gia: cầu Đồng Nai mới; và dự án thủy điện Đăk Sin 1. Tung vốn lớn chỉ trong 1 ngày, một tín hiệu đáng mừng cho tình hình tín dụng tăng trưởng còn chậm hiện nay.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP. Biên Hòa được Bộ Giao thông - Vận tải giao cho Tổng công ty số 1 (CC1) làm nhà đầu tư theo hình thức BOT. Khởi công vào tháng 6/2008 và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014, dự án có tổng mức đầu tư được duyệt là 1.648 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư chiếm 20%.

Tuy nhiên, do một số khó khăn nên hợp đồng tài trợ vốn với VDB đã không được tiếp tục triển khai. Để đảm bảo tiến độ của dự án, CC1 đã làm việc với ngân hàng VietinBank chi nhánh Hà Nội, chi nhánh Thủ Thiêm và SHB chi nhánh TP. Hồ Chí Minh để tài trợ vốn và được các ngân hàng chấp thuận với số vốn lên đến 1.200 tỷ đồng.

Tương tự, dự án thủy điện Đăk Sin 1 do Công ty cổ phần VRG Đăk Nông (thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam) làm chủ đầu tư, sau một thời gian khó khăn về vốn cũng đã phải ngưng thực hiện. Tuy nhiên, dự án lại vừa được ngân hàng SHB chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho vay 584 tỷ đồng để khởi động lại.

Về mặt số liệu, nhiều người cho rằng đây chỉ là những hợp đồng tín dụng rất đỗi bình thường của ngân hàng. Nhưng trong thời điểm khó khăn đối với tăng trưởng tín dụng hiện nay, đằng sau câu chuyện giải ngân còn rất nhiều vấn đề đáng bàn. Vì qua câu chuyện của bà Đặng Tố Loan, Phó tổng giám đốc SHB, dễ thấy các tổ chức tín dụng đang cạnh tranh với nhau từng centimet. “Để giải ngân vốn cho VRG, SHB đã phải theo đơn vị này suốt một năm và cạnh tranh mạnh mẽ với ngân hàng còn lại”, bà Loan chia sẻ.

Trong quá trình thẩm định cho vay dự án điện, cứ mỗi lần SHB ký xong hợp đồng thì ngân hàng bạn, cũng đóng tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh, chìa thư mời ưu đãi, thậm chí cạnh tranh lãi suất. Cứ như thế, các bên giằng co, thỏa thuận đến 10 lần chưa thông qua được cơ chế hợp tác. Mãi đến lần thứ 11, SHB chốt một mức lãi suất cuối cùng thì mọi việc mới ngã ngũ. Hay câu chuyện cho CC1 vay vốn cũng vậy, các ngân hàng cũng phải cạnh tranh rất sát, để cuối cùng chỉ có VietinBank và SHB trụ với mức giải ngân ngang nhau là mỗi bên 600 tỷ đồng.

Cạnh tranh cũng phải, bởi hiện nay, các DN ngành nghề khác đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Trong khi đó, những DN kinh doanh các mặt hàng chủ lực như điện, cao su, xây dựng dự án trọng điểm quốc gia… luôn luôn có tính ổn định cao hơn. Đó là chưa kể, các ngân hàng nhắm đến yếu tố cuối cùng là cho vay vốn lưu động ở các dự án dài hơi trên. Mỗi một hợp đồng kéo dài từ 10 - 15 năm, một quá trình rất dài để các ngân hàng có thể khai thác các hợp đồng tín dụng nhỏ lẻ liên quan.

Điều đó lý giải vì sao tỷ trọng cơ cấu tín dụng của các ngân hàng lớn đều nghiêng về những DN nêu trên. Ví dụ, ở SHB chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tỷ trọng cho vay tính từ đầu năm đến nay khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó, ngành chủ đạo chiếm trên 70%, còn lại chưa đến 30% là tín dụng DN ngành nghề khác.

Lãnh đạo VietinBank chi nhánh Thủ Thiêm cũng bày tỏ, VietinBank luôn đứng đầu khối về huy động, nên ngân hàng luôn muốn tìm kiếm khách hàng để giải ngân lượng vốn trên. Tuy nhiên, việc giải ngân cũng không hề dễ dàng bởi các ngân hàng hiện nay đang cạnh tranh rất gay gắt. Thậm chí, có những ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp hơn cả huy động để hấp dẫn khách hàng tốt.

Rõ ràng, trong thời gian qua việc khó tăng trưởng tín dụng khiến các ngân hàng vất vả không kém việc DN đến ngân hàng vay vốn. Câu chuyện này đang mở ra một điều là nếu không có những quy chế nhất định, các ngân hàng yếu thế hơn sẽ khó có thể tìm kiếm được khách hàng tốt vì những ngân hàng lớn luôn có lợi thế nhất định trong việc quyết định lãi suất cho vay. Điều này sẽ dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh và cái giá phải trả vẫn là câu chuyện nợ xấu.

Nói như một chuyên gia tài chính, trong bối cảnh hiện nay, để tín dụng có thể tăng một cách lành mạnh, có lẽ chúng ta cần mở ngay van đầu tư công và gỡ các ách tắc ngay giữa những ngân hàng với nhau, nhất là các quy định về lãi suất cho vay cần được đảm bảo sao cho hợp lý.