Cơ cấu lại nợ: Không che giấu nợ xấu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Chỉ thị 01/CT-NHNN mới đây cũng nêu rõ, các tổ chức tín dụng (TCTD) không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu, hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng. Như vậy, đây có thể được xem là những nỗ lực của NHNN để loại bỏ tình trạng lợi dụng việc cho phép cơ cấu lại nợ để che giấu nợ xấu.

Cơ cấu lại nợ: Không che giấu nợ xấu
Chỉ thị 01/CT-NHNN là những nỗ lực của NHNN để loại bỏ tình trạng lợi dụng việc cho phép cơ cấu lại nợ để che giấu nợ xấu. Nguồn: internet

Có vô tình hiểu sai?

Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN, về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, đã được các chuyên gia và dư luận đánh giá là phù hợp với hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Quyết định này đã giúp các TCTD cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp tục vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các TCTD tháo gỡ khó khăn không chỉ cho khách hàng của mình và còn cả cho chính hoạt động ngân hàng.

Thế nhưng, việc thực hiện một văn bản quan trọng, mang lại lợi ích cho nhiều bên như vậy đã xuất hiện những dấu hiệu về sự “vô tình hiểu sai” tinh thần của Quyết định. Điều này thể hiện ở chỗ, một số TCTD còn để xảy ra tình trạng cơ cấu lại nợ không xem xét đến khả năng thu hồi nợ sau này, dẫn đến số liệu nợ xấu, chất lượng nợ bị phản ánh sai lệnh.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng cơ cấu lại nợ và phân loại nợ không đúng nhóm nợ. Theo đó, có những khoản nợ xấu đáng lẽ đã đủ điều kiện phân loại vào nhóm 5 nhưng vẫn được phân loại vào nhóm 3. Khi cơ cấu lại nợ không đúng quy định dẫn đến việc trích lập dự phòng rủi ro không đầy đủ và phản ánh sai lệch kết quả tài chính.

Những dấu hiệu này có thể nhìn thấy trong thực tế, khi số liệu nợ xấu theo kết quả thanh tra, giám sát của NHNN luôn cao hơn số liệu nợ xấu mà các TCTD báo cáo. Thực tế ấy cũng đặt ra một vấn đề, đó là không thể chỉ dựa hoàn toàn vào số liệu báo cáo của các TCTD làm căn cứ đánh giá mức độ an toàn, cũng như việc chấp hành quy định của các TCTD để xem xét cho phép mở rộng phạm vi hoạt động, hay để đánh giá chất lượng hoạt động, tính toán các chỉ số liên quan của các TCTD. Vai trò giám sát của NHNN trong việc đưa ra các số liệu, chỉ số đánh giá vì vậy đóng vai trò rất quan trọng.

Qua 978 cuộc thanh tra, 310 cuộc kiểm tra năm 2013, NHNN đã phát hiện ra một số rủi ro, vi phạm tại các TCTD. Trong đó, đã phát hiện những hiện tượng mua bán nợ có quyền truy đòi, mua bán nợ có kỳ hạn với mục đích che giấu nợ xấu, hoặc thực hiện cơ cấu lại nợ chưa đúng với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, NHNN cũng phát hiện tình trạng phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro chưa đầy đủ theo quy định...

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hệ thống quản trị, điều hành và kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD còn nhiều hạn chế, chưa được củng cố, kiện toàn kịp thời trong khi các chính sách, quy trình nghiệp vụ cũng còn nhiều sơ hở, chưa được bổ sung, sửa đổi. Ý thức về sự cần thiết phải xử lý nợ xấu của một số TCTD chưa cao, dẫn đến thiếu chiến lược và các cách thức cần thiết, rõ ràng để xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, một số TCTD cũng chưa chủ động trong việc chuẩn bị thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản, trích lập dự phòng rủi ro… vào tháng 6 tới đây.

Ngăn chặn bằng Thông tư 02

Thanh tra NHNN cho biết, trong năm 2014 sẽ triển khai mạnh mẽ chuyên đề về chất lượng nợ xấu, nhằm đánh giá thực chất công tác phân loại nợ và yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro. Theo đó, sẽ đặc biệt lưu tâm đến việc phân loại các khoản nợ thuộc nhóm 1, 2, 3 và việc cơ cấu lại nợ theo quy định tại Quyết định 780 đối với tất cả các TCTD. Chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01/CT-NHNN mới đây cũng nêu rõ, các TCTD không được thực hiện việc cơ cấu lại nợ và các biện pháp nghiệp vụ khác để che giấu nợ xấu, hoặc làm sai lệch chất lượng tín dụng. Như vậy, đây có thể được xem là những nỗ lực của NHNN để loại bỏ tình trạng lợi dụng việc cho phép cơ cấu lại nợ để che giấu nợ xấu.

Bình luận về Chỉ thị 01, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nói: “Đây chính là lời nhắc nhở của NHNN với các TCTD rằng, không thể lạm dụng Quyết định 780 để làm đẹp sổ sách, né tránh nợ xấu và tránh dự phòng rủi ro”. Chuyên gia này cho rằng, một mặt NHNN cần có các biện pháp, chế tài rất nghiêm ngặt để ngăn chặn và xử lý những TCTD vi phạm. Mặt khác, ngay trong nội bộ của các TCTD, các ủy ban về quản lý rủi ro cũng phải phát huy cao nhất vai trò của mình. Mà muốn làm được như vậy thì HĐQT của mỗi TCTD cũng cần hết sức ủng hộ, tạo điều kiện cho ủy ban này làm việc, cũng như lắng nghe những cảnh báo, tham mưu của họ.

Việc Thông tư 02 sẽ có hiệu lực vào tháng 6 tới đây và được thực thi tốt trong thực tế, theo các chuyên gia, cũng sẽ giúp ngăn chặn sự lợi dụng trên. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc áp dụng Thông tư 02 sẽ làm tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Bên cạnh đó, trong thời điểm nền kinh tế và hệ thống ngân hàng còn nhiều khó khăn hiện nay, việc áp dụng Thông tư 02 nếu không có điều chỉnh sẽ rất khó khăn cho các TCTD và doanh nghiệp. Trong thời gian qua, đã có nhiều đề xuất về điều chỉnh Thông tư 02 được đưa ra, nhưng TS. Hiếu đề xuất một điều chỉnh lớn nhất là nên có điều khoản “khoanh nợ”.

Cụ thể, với những khoản vay đang là nợ bình thường, nhưng khi thực hiện Thông tư 02 sẽ trở thành nợ xấu thì có thể khoanh lại cùng với những tài sản bảo đảm để phục vụ cho khoản vay này và xem đây là những khoản nợ cũ. Sau khi khoanh lại, doanh nghiệp có các khoản nợ được khoanh sẽ tiếp tục được vay mới. Các TCTD lúc này xem đây là những món nợ mới, với các tài sản thế chấp mới.

Chuyên gia này cũng đề xuất, không nên bắt buộc phải dùng thông tin đánh giá duy nhất của CIC để áp dụng cho các món nợ, vì nợ xấu ngoài yếu tố định lượng (như đến ngày, đến giờ sẽ bị chuyển nhóm nợ) thì còn nhiều yếu tố mang tính chất định tính nữa. “Các TCTD vẫn nên sử dụng thông tin của CIC như là cảnh báo, để từ đó tự đánh giá, tự xếp loại tín dụng cho khách hàng của mình”, TS. Hiếu nói. Cũng theo chuyên gia này, Thông tư 02 đi vào cuộc sống từ tháng 6/2014 nhưng sẽ cần ít nhất 2 năm để dần được hoàn thiện.

“Cho đến lúc này, chưa ai biết được, lường hết được tác động của Thông tư 02 như thế nào, nên cũng cần thời gian để mọi thành phần học hỏi, điều chỉnh và tuân thủ theo”, ông Hiếu lý giải.