Doanh nghiệp dệt may trong nước nên chủ động thế và lực đón đầu cơ hội từ TPP

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may lớn của nước ngoài đã và đang tăng cường đầu tư xây dựng chuỗi nhà máy với quy trình sản xuất hoàn chỉnh từ dệt vải đến thành phẩm, đón đầu cơ hội từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình dương (TPP). Trong khi đó, nhiều chuyên gia lo ngại, dù đang trong giai đoạn nước rút của tiến trình gia nhập TPP và đã có sự chuẩn bị về nhiều mặt, nhưng dường như các DN dệt may trong nước vẫn bị các DN FDI lấn át trong cuộc đua này.

Doanh nghiệp dệt may trong nước nên chủ động thế và lực đón đầu cơ hội từ TPP
Dường như các doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn bị các doanh nghiệp FDI lấn át. Nguồn: internet

Thời gian qua, ngày càng nhiều tập đoàn, DN dệt may nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang bắt đầu triển khai nhiều dự án lớn, xây dựng nhà máy sợi, dệt, nhuộm ở nước ta để sẵn sàng đón đầu cơ hội từ TPP và hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Bên cạnh đó, nhiều DN dệt may lớn của nước ngoài còn lên kế hoạch mở rộng các dự án sản xuất dệt may tại Việt Nam để tận dụng cơ hội mà TPP mang lại.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN dệt may trong nước tuy đã có sự chuẩn bị về nhiều mặt cho tiến trình gia nhập TPP, song, dường như vẫn bị các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lấn át hơn trong các cuộc đua đang ngày càng cam go này. Phân viện trưởng Phân viện Dệt may tại TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Kiệt cho biết, chi phí đầu tư xây dựng các nhà máy, xưởng sản xuất sợi, dệt, nhuộm thường rất cao. Chi phí đầu tư cho một dây chuyền từ sản xuất sợi đến may thành phẩm cao hơn nhiều lần so với dây chuyền chuyên may thành phẩm hay gia công. Bên cạnh đó, dây chuyền kéo sợi là một tổ hợp nhiều máy, và để mua một máy kéo sợi cần phải chi khoảng gần 2 triệu USD.

Ngoài ra, các DN cần phải chi hàng chục triệu USD mới có thể xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các công đoạn sau kéo sợi như dệt, nhuộm. Bởi vậy, các DN FDI với thế mạnh về vốn, tiềm lực tài chính sẽ có ưu thế hơn các DN Việt Nam trong triển khai các dự án nhà máy dệt may. Thậm chí, hệ thống tiêu thụ sản phẩm của các DN FDI cũng đã sẵn sàng thông qua sự liên kết chặt chẽ giữa các DN trong hệ thống chuỗi cung ứng có sẵn. Trong khi liên kết nội khối của DN trong nước chưa mạnh, thậm chí các DN còn chưa muốn liên kết ngay cả khi thời điểm TPP có hiệu lực đang cận kề. Theo quy định của TPP, sản phẩm dệt may xuất khẩu sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi khi sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước thành viên TPP khác. Giá sợi, vải nguyên liệu của các nước đang tham gia đàm phán TPP đều khá cao nên DN trong nước khó có khả năng nhập khẩu để sử dụng.

Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Lê Quốc Ân, điều cần làm ngay của các DN dệt may trong nước là chủ động việc tự sản xuất sợi, vải. Nghĩa là, cần chuyển đổi phát triển ngành dệt may theo hướng phát triển chuỗi giá trị theo ngành dọc - từ xây dựng vùng nguyên liệu đến may thành phẩm. Cụ thể, để chủ động được nguồn nguyên liệu, các DN dệt may trong nước cần phải tạo sự liên kết theo chuỗi khép kín từ sản xuất sợi, vải, dệt, nhuộm cho đến may thành phẩm và phải bảo đảm chất lượng trong từng công đoạn nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Bên cạnh đó, các DN cần tiếp tục tận dụng nguồn lực tài chính sẵn có hoặc hỗ trợ, liên kết với nông dân để vừa chủ động phát triển vùng nguyên liệu, vừa tiết kiệm chi phí.

Đồng thời, tăng cường hỗ trợ, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ nhân viên và lựa chọn công nghệ, kỹ thuật sản xuất phù hợp để từng bước phát triển chuỗi sản xuất dệt may khép kín. Có thể thấy, việc tham gia TPP sẽ tạo ra tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành dệt may nước ta bởi có tới hai thị trường trong 12 quốc gia tham gia TPP (kể cả Việt Nam), chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của nước ta là Hoa Kỳ và Nhật Bản (lần lượt là 43% và 12%) và 4% là xuất khẩu vào các nước còn lại trong TPP. Các chuyên gia kinh tế nhận định, các DN dệt may nội địa cần tiếp tục chủ động xây dựng, phát triển chuỗi liên kết sản xuất nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và tránh tình trạng trở thành điểm chuyên gia công của các DN dệt may nước ngoài như thời gian qua.