Thêm động lực để DATC thực hiện mục tiêu mới

Thanh Trúc

Nâng cao năng lực pháp lý thông qua bổ sung chức năng, mở rộng nhiệm vụ và các hoạt động kinh doanh cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh  và phát huy lợi thế của doanh nghiệp này… là những yêu cầu đặt ra

DATC đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu trở thành công cụ hàng đầu, vững mạnh của Chính phủ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
DATC đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu trở thành công cụ hàng đầu, vững mạnh của Chính phủ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngoài các quy định hiện hành phù hợp, cần bổ sung một số quyền hạn, chức năng, cũng như nhiệm vụ và các hoạt động kinh doanh chính cho DATC, cụ thể:

Thứ nhất, DATC có quyền yêu cầu chủ nợ và các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến khoản nợ và tài sản khi thực hiện triển khai tiếp nhận nợ và mua nợ, tài sản theo phương án chỉ định của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, DATC có quyền của chủ nợ đối với khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ; quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm;

Thứ ba, DATC có quyền đề nghị sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu giữ, hoàn thiện hồ sơ pháp lý đối với tài sản bảo đảm để đạt được mục tiêu xử lý nhanh tài sản bảo đảm, thu hồi nợ; yêu cầu và tòa án phải áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ của DATC.

Thứ tư, DATC được thực hiện bán cả lô cổ phần kèm nợ phải thu và các hình thức khác.

Thứ năm, hỗ trợ tài chính dưới hình thức tài trợ vốn vay ngắn hạn, bảo lãnh đối với các DN được DATC tham gia tái cơ cấu có khó khăn tài chính để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh khi các doanh nghiệp này đáp ứng được các điều kiện về kiểm soát, có phương án khả thi, có tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Việc bổ sung quyền là cần thiết vì đối tượng DATC hỗ trợ là các doanh nghiệp khó khăn về tài chính, thua lỗ, không thể huy động được vốn lưu động để sản xuất kinh doanh và xác định đây là một trong những giải pháp, nghiệp vụ tái cơ cấu, xử lý tài chính cho doanh nghiệp (tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh).

Với việc mở rộng quyền hạn, chức năng nhiệm vụ sẽ không chỉ là giải góp phần giải quyết nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo yêu cầu hiện nay, mà còn là động lực để DATC thực hiện thành công các mục tiêu, tầm nhìn mới.

Theo đó, DATC đặt ra mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là phấn đấu trở thành công cụ hàng đầu, vững mạnh của Chính phủ, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ, chương trình theo chỉ định của Chính phủ.

Đồng thời, DATC phấn đấu trở thành một định chế tài chính mạnh để vừa làm đối trọng với các tổ chức tài chính nước ngoài, vừa tăng cường tính liên kết, hợp tác trong xử lý nợ; Tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó chú trọng hiệu quả kinh tế - xã hội tổng hợp, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước trong hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, DATC sẽ tạo lập, dẫn dắt để hình thành thị trường mới thông qua công tác chủ động nghiên cứu, đề xuất Chính phủ để từng bước chuyển dần một số hoạt động thuộc khu vực công theo hướng thị trường.

Với sự kiên định phát triển theo định hướng, tầm nhìn đã đề ra, chắc chắn DATC sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế trong thị trường mua bán nợ