Tái khởi động sản xuất kinh doanh cần sự liên kết

Theo Gia Bảo/Báo Cần Thơ

Làn sóng dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp cả nước quý III/2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay một số hoạt động tiến đến khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Nhiều DN sẵn sàng khởi động lại dây chuyền sản xuất.

Công ty CP May Meko đã chuẩn bị sẵn sàng để khôi phục sản xuất sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ 15/7/2021 đến nay. Ảnh: Gia Bảo
Công ty CP May Meko đã chuẩn bị sẵn sàng để khôi phục sản xuất sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội từ 15/7/2021 đến nay. Ảnh: Gia Bảo

Doanh nghiệp vừa mừng, vừa lo

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành Công nghiệp cả nước 9 tháng năm 2021 ước tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,18%; quý III giảm 3,5%). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chỉ số sản xuất công nghiệp của nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội giảm mạnh.

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh giảm 12,9% do sản xuất trang phục giảm 25,8%; dệt giảm 17,2%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 16%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 7,8%. Bến Tre giảm 11,2% do ngành dệt giảm 25,2%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18%; sản xuất trang phục giảm 15,3%. TP. Cần Thơ giảm 9,8% do sản xuất trang phục giảm 33,2%; sản xuất đồ uống giảm 22,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 25,1%; sản xuất chế biến thực phẩm giảm 9,5%...

Tuy nhiên, nhận định về xu hướng kinh doanh quý IV, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan nhất với 79,4% số DN dự báo sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2021; khu vực DN ngoài Nhà nước và DN Nhà nước tỷ lệ này lần lượt là 71,8% và 68,8%. Sự lạc quan này xuất phát từ việc nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch, từng bước khôi phục lại sản xuất.

Ông Trần Chí Gia - Giám đốc CTCP May Meko, Khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ, nói: “Lãnh đạo thành phố và Ban Quản lý các khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ vừa đến công ty để kiểm tra các điều kiện cho phép hoạt động trở lại. Mừng lắm. Công ty đã ngừng hoạt động từ 15/7/2021 đến nay, khó khăn chồng chất. Hiện công ty không thiếu đơn hàng, chỉ thiếu công nhân lao động, vì điều kiện ràng buộc là phải tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin mới được đi làm lại”.

Theo ông Gia, năm 2021, kế hoạch gia công của đơn vị khoảng 1 triệu sản phẩm, gồm áo Jacket và áo Jacket lông vũ. Trong thời gian giãn cách, đã có nhiều đơn hàng được chuyển ra các tỉnh phía Bắc, quay về Nhật Bản, Trung Quốc (khoảng 100.000 sản phẩm). Hiện công ty đang còn đơn hàng khoảng 500.000 sản phẩm gia công từ nay đến tháng 3/2022. “Sang năm, đơn hàng có thể sẽ mất nhiều, nhưng bây giờ nếu cho DN hoạt động trở lại, DN sẽ có cách giữ chân khách hàng để tránh thiệt hại lâu dài” - ông Gia cho hay.

Thực tế tại nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, số lượng DN duy trì hoạt động “3 tại chỗ” rất ít, đa phần ngừng hoạt động, đặc biệt là DN sản xuất công nghiệp. Như TP Cần Thơ có 1.167 DN sản xuất công nghiệp, tính đến ngày 27/9/2021 có 197 DN hoạt động, còn lại hơn 83,1% DN tạm dừng hoạt động. Việc tái khởi động sản xuất, DN rất phấn khởi. Nhưng ông Gia và nhiều lãnh đạo DN khác trên địa bàn TP. Cần Thơ rất lo lắng, do tỷ lệ lao động được tiêm vắc xin còn thấp. Ðây là rủi ro rất lớn khi DN hoạt động lại, nếu trong trường hợp có F0 thì các bước tiếp theo DN cần phải làm gì.

Theo ông Gia, trong tổng số 1.270 lao động tại công ty, hiện mới có 660 lao động được tiêm vắc xin (trong đó có 200 người đã tiêm đủ 2 mũi). Việc hoạt động trở lại với ½ công nhân, chắc chắn chi phí sẽ tăng, nhưng vẫn phải làm để duy trì đơn hàng. Ông Gia cho biết, công ty không kén vắc xin, chỉ hy vọng thành phố ưu tiên cho lao động để DN hoạt động trở lại.  

Liên kết để tái khởi động nền kinh tế

Nhiều địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và đang tính toán các phương án tái mở cửa. Song, mở cửa và phục hồi nền kinh tế cần chiến lược tổng thể với cách tiếp cận đa chiều trên phạm vi rộng. TS. Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế cho rằng, để mở cửa an toàn, từng địa phương cần có kịch bản và chủ động triển khai thực hiện theo yêu cầu, phù hợp diễn biến tình hình mỗi nơi, nhưng phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng mỗi nơi ban hành quy định riêng cản trở cái chung. Và phải tiếp cận vùng, liên vùng, có kiểm tra để chấn chỉnh cái chưa phù hợp.

Tình hình thay đổi, thì biện pháp phải thay đổi, nhưng không được tùy tiện, Bộ Y tế nên rà soát thực tiễn, nghiên cứu xem xét lại các tiêu chí phòng, chống dịch để tạo điều kiện cho các địa phương “chuyển trạng thái”.

Việc mở cửa kinh tế không còn nên hay không nữa mà phải làm và làm thế nào hiệu quả. Cơ sở để triển khai là Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19. Có hoạt động kinh tế, sinh kế thì mới có sức khỏe chống dịch.

Có thể nói, sự ngưng trệ trong thời gian qua giãn cách đã làm sức khỏe của DN yếu đi. Cũng có ý kiến cho rằng, số DN ngừng hoạt động, giải thể được nêu trong 9 tháng qua chưa phải là con số cuối cùng, bởi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều DN đã không còn sức gượng dậy, giải thể nhưng chưa thể đến cơ quan chức năng làm thủ tục. Vì vậy, để đạt mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể trong các tháng còn lại của năm là thách thức rất lớn. Thực hiện “mục tiêu kép” cần sự chung sức của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, người dân và cộng đồng DN.

Một trong những giải pháp ưu tiên để khôi phục sản xuất thời điểm này là tiêm vắc xin cho người lao động. Cùng với đó là tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, DN chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm. Cần bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu...

Sức chịu đựng của nền kinh tế và cả DN đã đến giới hạn, việc mở cửa lại nền kinh tế không chỉ là vấn đề kiểm soát tốt dịch bệnh, mà còn là sự thực thi các chính sách hỗ trợ và nội lực đứng dậy của DN. Cầu thị trường trong và ngoài nước, sức mua sẽ quyết định động lực tái khởi động của DN. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Cần Thơ, tái khởi động sản xuất an toàn thì cần có vắc xin tiêm cho người lao động, giảm gánh nặng lo lắng cho DN về tình trạng lây nhiễm bệnh có thể xảy ra trong nhà máy. Ngoài ra, các rào cản chính sách cũng cần được tháo gỡ để DN an tâm khôi phục lại hoạt động.