DATC tuân thủ nguyên tắc bảo toàn, phát triển nguồn vốn nhà nước đầu tư

PV.

Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tài chính của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Dự thảo Thông tư đã đưa ra nhiều quy định mới, đảm bảo quyền chủ động, ưu tiên nguồn lực cho DATC hoạt động nhưng phải tuân thủ đúng nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điểm nổi bật tại Dự thảo Thông tư là nêu rõ các quy định đối với DATC, cụ thể như: Được quyền chủ động sử dụng vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong đó, ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản.

Cùng với đó, DATC được sử dụng vốn để mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật và Quy chế này; DATC tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường.

Đặc biệt, DATC phải bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Công ty. Theo đó, Dự thảo Thông tư đã nêu rõ, việc bảo toàn vốn của DATC được thực hiện bằng các biện pháp sau: Thực hiện đúng chế độ quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật; mua bảo hiểm tài sản theo quy định của pháp luật; xử lý kịp thời giá trị tài sản tổn thất tài sản, nợ không có khả năng thu hồi và trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định tại Quy chế này và quy định của Bộ Tài chính…

Theo Quy định tại Nghị định số 129/2020/NĐ-CP, ngày 27/10/2020 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì DATC được thực hiện các hình thức đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

Theo đó, DATC được quyền sử dụng tài sản (bao gồm tiền, tài sản cố định, tài sản lưu động và các tài sản khác) thuộc quyền quản lý của Công ty để đầu tư ra ngoài Công ty, đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn, phù hợp với điều lệ và các quy định của pháp luật và chiến lược kế hoạch đầu tư phát triển của Công ty được chủ sở hữu phê duyệt.

Mặt khác, DATC không được góp vốn hoặc đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại Ngân hàng thương mại, Công ty bảo hiểm, Công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư chứng khoán hoặc Công ty đầu tư chứng khoán, trừ các trường hợp đầu tư, góp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 129/2020/NĐ-CP;

DATC được chủ động quyết định mua, bán cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, quyền mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà DATC có cổ phần hoặc có phương án tái cơ cấu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp Bên nợ và xử lý các khoản nợ, tài sản đã mua, tiếp nhận.

DATC không được đầu tư ra ngoài Công ty trong các trường hợp: Tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng của Công ty…