Xây dựng công nghiệp điện tử Việt Nam có giá trị gia tăng cao trong bối cảnh mới

TS. Đặng Văn Sáng, Trường Trung cấp Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh

Số liệu thống kê cũng cho thấy, doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin, nhưng trên thực tế giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại. Trong bối cảnh đó, để phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam tương xứng với tiềm năng cần thay đổi năng lực sản xuất từ sản xuất lắp ráp đơn thuần sang sản xuất chế tạo, lắp ráp có giá trị gia tăng cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tình hình phát triển ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Đối với bất cứ quốc gia nào, phát triển công nghiệp điện tử cũng trở thành ưu tiên, vì nó không chỉ mang lại những giá trị lợi ích về kinh tế, mà còn mang lại vị thế, thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp điện tử. Lợi thế của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp điện tử là dân số trẻ, 60% trong độ tuổi lao động, có trình độ khá cao.

Nguồn lao động dồi dào của Việt Nam được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí chi trả cho nhân công lao động ở nước ta còn tương đối thấp ở Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) chế tạo sản phẩm phụ trợ, lắp ráp hàng điện tử so với khu vực.

Việt Nam cũng là quốc gia có các tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit...

Quan trọng hơn Việt Nam là quốc gia có an ninh, chính trị ổn định và thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư luôn cảm thấy được đảm bảo an toàn khi mở rộng đầu tư. Do vậy, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước trên thế giới.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và hỗ trợ các công ty nước ngoài đầu tư và hợp tác với các DN Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.  

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp điện tử trong quá trình đổi mới kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 1/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TTg về kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/ QĐ-TTg ngày 01/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử; Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử; Thu hút đầu tư các doanh nghiệp (DN) điện tử hàng đầu trên thế giới; Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử...

Bên cạnh đó, để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp DN trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu ngành điện tử bình quân trong giai đoạn 2010-2018 của Việt Nam đạt hơn 50%, cao nhất thế giới. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và đứng thứ ba trong khối ASEAN.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông tăng bình quân 62%; nhóm ngành linh kiện điện tử và nhóm ngành máy vi tính, thiết bị ngoại vi tăng bình quân lần lượt 42% và 19%; nhóm ngành thiết bị điện tử khác và nhóm ngành điện tử dân dụng tăng bình quân lần lượt là 39% và 35%.

Thực tế cũng thấy, Việt Nam là nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Canon, Intel... với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Ngoài Samsung và LG, đã có các tổ hợp công nghệ cao hàng tỷ USD ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng; Sony, Lenovo đều đã có nhà máy ở Việt Nam. Một loạt đối tác sản xuất lớn của Apple, như Wistron, Pegatron, Luxshare, Foxconn… đều đang gia tăng sản xuất các thiết bị, linh phụ kiện tại Việt Nam.

Như vậy, đến nay, hầu hết các tên tuổi lớn trên thị trường thiết bị di động, điện tử toàn cầu đều đã, đang hoặc có kế hoạch thiết lập nhà máy ở Việt Nam. Sự có mặt của các “ông lớn” công nghệ đã góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, trước tiên trên khía cạnh đóng góp cho xuất khẩu.

Việc nhiều tên tuổi lớn về thiết bị di động, điện tử đang có kế hoạch thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam là cơ hội lớn cho công nghiệp điện tử ở nước ta có cơ hội phát triển trong thời gian tới.

Một số thách thức, hạn chế đặt ra

Khoảng 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam luôn ở mức cao nhất thế giới, được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử.

Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin, nhưng trên thực tế giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các DN FDI và các DN trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thực tế hiện nay, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chỉ lắp ráp các bộ phận và gia công đơn giản; các hợp phần hay thiết bị chuyên ngành vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Sự phát triển ấn tượng của ngành điện tử Việt Nam những năm qua chủ yếu thể hiện ở khâu thu hút sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Các dự án đầu tư bằng vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất điện tử đang chiếm tới 95% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này.

Bên cạnh đó, năng lực các DN trong nước vẫn hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Nhiều DN điện tử nội địa có tiếng trước đây đang có xu hướng phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ.

Mặc dù một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Viettel... nhưng thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu vẫn do các thương hiệu của nước ngoài chiếm lĩnh.

Mặt khác, tỷ lệ nội địa hóa ngành Điện tử hiện cũng rất thấp, chỉ khoảng 5%-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường trong nước phần lớn là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp linh kiện nhập khẩu.

Các DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước dù có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp. Việt Nam cũng chưa có viện nghiên cứu hoặc chuyên gia về máy móc linh kiện hay các công nghệ then chốt.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp điện tử của nhiều nước châu Á chỉ mất chừng 20 năm để rõ hình hài cùng các sản phẩm chủ lực. Tuy nhiên, công nghiệp điện tử của Việt Nam hiện đã có hơn 30 năm phát triển mà vẫn xếp ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị gia tăng. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc xem xét tỷ trọng đóng góp của DN nội địa trong giá trị sản xuất công nghiệp của ngành điện tử Việt Nam. =

Hiện nay, hầu hết các sản phẩm trên thị trường điện tử đều là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp bằng các linh kiện nhập khẩu. Các DN trong nước chỉ mới tham gia khâu hoàn thiện các sản phẩm bao bì, sách hướng dẫn, linh kiện nhựa mà chưa làm được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Số DN sản xuất linh kiện chỉ chiếm khoảng 52,28%...

Giải pháp phát triển công nghiệp điện tử ở Việt Nam

Để giải quyết những thách thức mà ngành Điện tử Việt Nam đã, đang phải đối diện, tận dụng được những lợi thế vốn có, các chuyên gia kiến nghị cần sớm xây dựng kế hoạch hình thành ngành Điện tử có giá trị gia tăng cao hơn. Trong đó, cần lưu ý một số giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý

- Tập trung nghiên cứu xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành Điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao, ngành công nghiệp điện tử trên cơ sở liên kết giữa nhà nước - DN - cơ sở đào tạo, khuyến khích thông qua hình thức hợp tác công - tư.

- Tập trung hỗ trợ một số DN triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các DN này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện-điện tử gia dụng.

- Tạo ra các hệ sinh thái, mạng lưới sáng tạo thông qua giáo dục, đào tạo về phần mềm, kích hoạt mạng lưới, mở rộng các diễn đàn chuyên môn... Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy, tạo ra các sáng kiến, cung cấp công nghệ và quản lý với những hỗ trợ từ các trường đại học hoặc các chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành.

- Tập trung hình thành các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), không chỉ cho phần cứng mà cả phần mềm. Chính sách hỗ trợ R&D có thể được thực hiện thông qua phát triển nghiên cứu có trọng tâm cho phần mềm, hỗ trợ nghiên cứu hợp tác chung của các công ty, giữa các tập đoàn lớn, cũng như các DN vừa và nhỏ.

- Để chuyển đổi từ sản xuất lắp ráp đơn giản sang một nền sản xuất chế tạo có giá trị gia tăng cao hơn, với trọng tâm là các thiết bị và linh kiện chính, trước mắt, cần cải thiện năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo về kỹ thuật. Trong đó, tạo điều kiện thuận lợi để các DN khởi nghiệp và DN vừa và nhỏ có thể tham gia đổi mới sáng tạo, xây dựng mối quan hệ với các tập đoàn lớn sở hữu nền tảng tiên tiến cho sáng tạo và phát triển hơn nữa.

Đối với các doanh nghiệp

- Có chiến lược dài hơi trong đầu tư nguồn lực để cải thiện năng lực, khoa học - công nghệ và muốn sở hữu một ngành Điện tử có giá trị gia tăng cao. Cần thúc đẩy các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như màn hình, chất bán dẫn và linh kiện điện tử, từ đó góp phần tạo ra nhiều việc làm có giá trị gia tăng cao và tăng trưởng kinh tế.

- Chú trọng phát triển các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Mỗi DN tự xác định cho mình những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp; đồng thời, cần tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới. Trên cơ sở đó, giúp DN nội tập trung các nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.

- Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng như nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ngành điện tử, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ (2014), Quyết định số 1290/QĐ-TTg ngày 1/8/2014 về Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

2. Nguyệt Bắc (2020), Xây dựng công nghiệp điện tử có giá trị gia tăng cao, Tạp chí Kinh tế và Môi trường;

3. Lan Anh (2021), Lối mở cho công nghiệp điện tử, Báo Công thương điện tử;

4. Việt Dũng (2021), Tận dụng RCEP trong ngành sản xuất điện tử công nghệ cao, Báo Công thương điện tử.