Xuất siêu nông lâm thủy sản nửa đầu năm gấp đôi cùng kỳ 2021, Mỹ là thị trường lớn nhất

Theo Tuấn Việt/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Thặng dư thương mại toàn ngành nông lâm thủy sản nửa đầu năm nay đạt khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với 6 tháng năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công bố tại Hội nghị sơ kết toàn ngành ngày 28/6, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê cho thấy, 4 quốc gia là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là những thị trường mua nông sản của Việt Nam nhiều nhất.

Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,61 tỷ USD (tăng 7,9% và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu). Sản phẩm chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm tới khoảng 66,8%).

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 4,97 tỷ USD (tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu).

Thống kê cụ thể theo các nhóm ngành, nhóm nông sản chính đạt 11,37 tỷ USD (tăng 8,8%), lâm sản chính đạt 9,1 tỷ USD (tăng 3%), thủy sản đạt 5,8 tỷ USD (tăng 40,8%), đầu vào sản xuất đạt 1,42 tỷ USD (tăng 64,8%). Trong khi đó, ngành chăn nuôi chỉ đạt 176 triệu USD (giảm 15,9%).

Nguồn Bộ NN&PTNN; Đơn vị: tỷ USD
Nguồn Bộ NN&PTNN; Đơn vị: tỷ USD

 

Một điểm tích cực, do thị trường xuất khẩu mở rộng có đến 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và đầu vào phục vụ sản xuất.

Trong 6 tháng đầu năm, nhóm mặt hàng cao su, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Theo số liệu thống kê, cà phê là mặt hàng tăng nhiều nhất với khối lượng tăng 21,7% và giá trị tăng 49,7%. Tiếp theo là sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,2% khối lượng, 28% giá trị. Mặt hàng cao su tăng 9,2% khối lượng, 12,2% giá trị. Kế đến là gạo tăng 16,2% khối lượng, 4,6% giá trị.

Ngoài ra, mặt hàng hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 125.000 tấn, giảm 19,1%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 40,9% nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 566 triệu USD, tăng 14%).

Với những mặt hàng khác, tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,49 tỷ USD (tăng 2,8%), mây, tre, cói thảm 481 triệu USD (tăng 8,2%).

Nguồn Bộ NN&PTNN, ĐV: Tỷ USD
Nguồn Bộ NN&PTNN, ĐV: Tỷ USD

 

Ở chiều ngược lại, Bộ NN&PTNN cho biết, nhập khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 ước khoảng 22,1 tỷ USD. Tương ứng với thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 5,75 tỷ USD, gấp 2 lần so với 6 tháng năm 2021.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ NN&PTNN, 6 tháng cuối năm, toàn ngành có thể phấn đấu xuất khẩu nông sản đạt 55 tỷ USD (cao hơn so với số được Chính phủ giao 5 tỷ USD). Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 25 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ đạt 17 tỷ USD, thủy sản là 10 tỷ USD và các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

Theo Bộ NN&PTNN, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,31%, chăn nuôi tăng 5,7%; lâm nghiệp tăng 4,97%; thủy sản tăng 4,15%.

Tốc độ tăng GDP của ngành trong kỳ dự kiến đạt khoảng 2,7% - 2,8%. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,2%; lâm nghiệp tăng khoảng 4,8%; thủy sản tăng khoảng 4,05%.

Về mục tiêu 6 tháng cuối năm 2022, toàn ngành nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt từ 2,8% - 3,0%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9% - 3,1%.