Xuất khẩu đối mặt nhiều "phép thử" lớn ở phía trước để giữ đà tăng trưởng
Khủng hoảng năng lượng, lạm phát ở mức cao đang lan rộng ở các thị trường, chi phí vận chuyển duy trì mức giá cao, thế giới có nhiều biến động, Trung Quốc giữ chính sách “zero COVID”…tiếp tục là “phép thử” lớn cho hoạt động xuất khẩu (nhất là nhóm hàng chủ lực) để có thể giữ đà tăng trưởng trong các tháng tới. Đơn cử như xuất khẩu thuỷ sản dù nửa đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 6 tỷ USD nhưng dự báo cả năm nay cũng chỉ đạt 10 tỷ USD trước những thách thức như vậy.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong kỳ 1 tháng 6/2022 (từ ngày 1 đến 15/6), so với kỳ 2 tháng 5/2022 (từ ngày 16/5 đến ngày 31/5/2022) từ thì xuất khẩu (XK) thủy sản giảm 126 triệu USD, tương ứng giảm 20,7%…
Chưa yên tâm với xuất khẩu thuỷ sản
Trong dự báo mới đây từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), dù XK thuỷ sản đạt xấp xỉ 6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng năm nay có thể chỉ đạt 10 tỷ USD. Cụ thể, XK tôm sẽ đạt hơn 4 tỷ USD, cá tra là hơn 2 tỷ USD, các loại hải sản là khoảng 3,5 tỷ USD.
Các yếu tố tác động cho dự báo nêu trên được cho là vì lạm phát ở mức cao đang lan rộng ở các thị trường. Trung Quốc duy trì chính sách “zero COVID”, chi phí vận chuyển quốc tế vẫn tiếp tục duy trì mức giá cao.
Riêng về thị trường Trung Quốc - thị trường XK chính và lớn của thuỷ sản Việt Nam, theo Vasep, 70% đơn hàng được XK vào thị trường này là bằng đường biển. Dù đây là thị trường rất đa dạng về nhu cầu sản phẩm, thế nhưng một thách thức lớn là nhiều chính sách mang tính đặc thù địa phương và thay đổi thất thường.
Trong khi đó, như lưu ý của Vasep, chưa có một chiến lược tầm quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) XK an toàn vào Trung Quốc.
Hơn thế nữa, liên quan đến chứng nhận khai thác khi XK thuỷ hải sản. Theo đánh giá từ giới chuyên gia thì Việc phòng chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp (IUU) không còn là yêu cầu riêng của EU. IUU sẽ trở thành yêu cầu của các thị trường lớn. Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng IUU. Các thủ tục chứng nhận cho nguyên liệu khai thác quá nhiều hạn chế. Đây là những thách thức cho các DN khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.
Đối với nguồn nguyên liệu từ nhập khẩu, theo Vasep, Việt Nam đang dần trở thành điểm gia công lớn của thủy sản thế giới nhưng còn thiếu chính sách khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu. Nhiều hạn chế trong thủ tục nhập khẩu nguyên liệu. Cần chiến lược mang tầm quốc gia về vấn đề này.
Trong khi đó, đối với nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng vẫn đang có nhu cầu mở rộng các vùng nuôi tập trung. Các biến động từ việc quy hoạch đất cho sản xuất, đô thị hóa và những quy định về sử dụng đất đang là thách thức lớn cho DN.
Đơn cử như vùng nguyên liệu chế biến tôm XK, theo Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta, cái cần cấp bách hiện nay là đất nuôi tập trung, nên chăng có chính sách nới rộng hạn điền để tới đây hình thành thêm hàng trăm, hàng ngàn trang trại nuôi chuẩn ASC, đạt khoảng 10% diện tích nuôi tôm.
“Chính sách nới rộng hạn điền trong nuôi tôm có sớm, tôm từ các trang trại sẽ là nguồn cung lớn thứ hai cho các DN tôm và là lực thúc đẩy mạnh mẽ nhất nâng tầm tôm Việt”, Ts. Hồ Quốc Lực chia sẻ.
Lo cho nhóm hàng chủ lực
Bên cạnh những thách thức, “phép thử” nêu trên, với XK thuỷ sản nói riêng và XK nói chung của các DN Việt, giới chuyên gia cho rằng còn đối mặt một thách thức khác là việc thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng và người tiêu dùng trên thế giới trở nên dè sẻn trong chi tiêu do ảnh hưởng từ cuộc khủng năng lượng, khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19.
Cho nên, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng và xây dựng chiến lược XK phù hợp nhằm giúp Việt Nam giữ vững được thị phần tại thị trường XK và đẩy mạnh XK vào các thị trường tiềm năng mới là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, các DN Việt cần phát triển những sản phẩm thế mạnh, chiếc lược tìm kiếm mức thuế thấp, tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc và xuất xứ,….
Cũng theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XK của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2022 đạt 15,11 tỷ USD, đã giảm 16,1% (tương ứng giảm 2,9 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 5/2022.
Trong đó, có thể thấy bên cạnh sự sụt giảm của XK thuỷ sản thì còn diễn ra ở một số nhóm hàng chủ lực như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 914 triệu USD (tương ứng giảm 30,1%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 426 triệu USD, tương ứng giảm 18,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 220 triệu USD, tương ứng giảm 10,4%.
Ngoài ra, số liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận kim ngạch XK hàng hóa của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 6/2022 đạt 10,75 tỷ USD, giảm 18,2%, tương ứng giảm 2,4 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 5/2022.
Giới chuyên gia lo ngại sự sụt giảm ở nhóm hàng chủ lực đã làm giảm kim ngạch XK chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Ghi nhận của Bộ Công Thương hồi tháng 5/2022 cũng cho thấy kim ngạch XK của nhóm hàng này có sự sụt giảm so với tháng trước đó (giảm 9,1%), chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch XK của một số mặt hàng chủ yếu như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6% (chủ yếu do sự sụt giảm về sản lượng sản xuất của Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic, giảm khoảng 10%).
Thực tế cho thấy những biến động trên thế giới (đơn cử như cuộc xung đột Nga - Ukraine) hoặc như khủng hoảng về năng lượng (nhất là giá xăng) sẽ đem đến không ít khó khăn cho các nhà XK của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này đòi hỏi các DN cần có sự chuẩn bị chủ động và kỹ càng hơn nữa nhằm tránh phải rơi vào tình cảnh khó khăn, ảnh hưởng đến việc duy trì đà tăng trưởng XK.