Tăng trưởng ngoạn mục, xuất khẩu thủy sản kỳ vọng đạt 10 tỷ USD

Theo Nguyễn Huyền/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Mới 5 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đã đạt 4,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ 2021. Trước đà tăng trưởng ngoạn mục này, VASEP lạc quan dự báo năm nay xuất khẩu thủy sản có thể đạt 10 tỷ USD - con số trong gần 10 năm qua chưa thể đạt được.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong gần 10 năm qua ngành thủy sản luôn hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD, nhưng mãi đến năm 2022 mới có nhiều hy vọng đạt được.

Kỳ vọng có thành hiện thực?

5 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu thủy sản đạt 4,7 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các sản phẩm chính như Tôm đạt 1,854 tỷ USD, tăng 41%; Cá tra đạt 1,211 tăng 90% so với cùng kỳ 2021; Hải sản khác đạt 916 triệu USD, tăng 12% và cá ngừ đạt 462 triệu USD, tăng 59%,…

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 5 tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản đã mang về 4,7 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số mục tiêu trong gần 10 năm qua ngành thủy sản chưa thể đạt được, song với đà tăng trưởng ngoạn mục của các tháng đầu năm VASEP kỳ vọng năm 2022 xuất khẩu thuỷ sản sẽ đạt mốc 10 tỷ USD – ngưỡng 5 năm qua ngành thuỷ sản đã cố gắng rất nhiều.

Theo ông Nam, cơ sở cho kỳ vọng nói trên đầu tiên là nhu cầu trở lại của thị trường nhập khẩu trong bối cảnh hậu COVID-19. Kế đến, từ tháng 6-9/2021 khi Việt Nam rơi vào giai đoạn khủng hoảng vì COVID-19 thì nguyên liệu được tích trữ tối đa công suất kho lạnh, giúp có nguyên liệu đầy đủ hơn để đáp ứng các đơn hàng. Trong khi đó, giá xuất khẩu có sự điều chỉnh tăng, mà cụ thể trung bình cá tra bán sang Mỹ đã tăng từ 2,6-2,8 USD/kg lên 3,5-3,6 USD/kg. Còn giá tôm xuất khẩu cũng tăng 10-13%, tuỳ loại.

Thị trường Mỹ tạo động lực

Top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm gồm: Khối thị trường CPTPP, Mỹ, Trung Quốc, khối thị trường EU và Hàn Quốc; xét về thị trường đơn lẻ thì Mỹ luôn là thị trường số 1 của thủy sản Việt Nam.

Bà Lê Hằng - Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản sang Mỹ năm 2022 sẽ đạt 2,4 - 2,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021.

Mỹ đồng thời là thị trường số 1 của tôm Việt, chiếm 21%; với cá tra, Mỹ là thị trường số 2 sau Trung Quốc, chiếm 25,6%; với cá ngừ xuất khẩu sang Mỹ cũng chiếm tỷ trọng áp đảo 54%.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm trước, nhất là mặt hàng cá tra với tăng trưởng 131% so với cùng kỳ.

Có 5 yếu tố chính khiến cho xuất khẩu cá tra sang Mỹ các tháng đầu năm nay tăng đột phá. Đó là: Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra, số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh…

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt gần 390 triệu USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đạt 251 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo thị trường Mỹ chùng xuống trước các trở ngại

Theo Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, mặc dù nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản vào Mỹ dự báo vẫn cao trước tác động của chiến sự Nga - Ukraine, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, tuy nhiên, sau khi tăng trưởng nóng trong nửa đầu năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ trong nửa cuối năm sẽ tăng trưởng thấp hơn nửa đầu năm trước xu hướng cung - cầu và các yếu tố logistics.

Những yếu tố trên được các chuyên gia đánh giá rằng, nguyên liệu thô từ các nước khác tăng mạnh có thể sẽ kéo giá nhập khẩu giảm. Cạnh tranh giữa các nhà cung cấp rất mạnh. Tồn kho nhiều và giá cả có xu hướng giảm khiến các nhà nhập khẩu dè dặt hơn trong việc mua số lượng lớn. Đợt mua hàng lớn tiếp theo sẽ vào khoảng đầu quý III để chuẩn bị cho lễ Tạ ơn.

Những bế tắc về hậu cần như chi phí vận chuyển cao, vận chuyển chậm trễ và thiếu container kéo dài cũng dẫn đến tình trạng mua hàng dè dặt. Chi phí đóng gói cao và xe tải giao hàng hạn chế và lạm phát giá dầu toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề.

Theo chuyên gia phân tích thị trường, lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua, người tiêu dùng Mỹ đang thắt chặt chi tiêu nhưng giá cá tra và tôm xuất khẩu sang thị trường này lại đạt đỉnh, vì vậy, trong những tháng cuối năm người dân Mỹ có thể sẽ phải lựa chọn loại thực phẩm hợp với túi tiền của họ, và thịt gà – loại thực phẩm có giá bán rất cạnh tranh ở thị trường Mỹ có thể là lựa chọn ưu tiên.

Song, tất cả cũng chỉ là dự báo, bởi thị trường luôn diễn biến theo sự vận hành của riêng nó mà không một ai có thể đoán định được một cách chắc chắn nhất, và doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ luôn có cách tính toán phù hợp.