Cần "luật hóa" thương mại điện tử
Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thường gặp rủi ro khi kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ nhà cung cấp, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT đã và đang mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy doanh số và tiết kiệm chi phí giao dịch tổng thể.
Nhiều vi phạm
Trong suốt hơn 10 năm hình thành và phát triển, ngành TMĐT ghi nhận mức tăng trưởng nhanh và liên tục. Số liệu Trung tâm Tin học và công nghệ số, Cục TMĐT và kinh tế số, 5 năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp và cá nhân tham gia bán hàng trên thị trường TMĐT ngày càng tăng.
Đại diện của Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng cho biết, sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT đang làm phát sinh nhiều vấn đề mới, bao gồm tính minh bạch hóa, đảm bảo quyền lợi khách hàng, quản lý TMĐT trên mạng xã hội hay TMĐT xuyên biên giới.
Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện các hành vi buôn bán hàng hóa, dịch vụ cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, cung cấp thông tin sai lệch để lừa dối người tiêu dùng...
Về lâu dài, không nên quản lý hoạt động TMĐT theo kiểu “manh mún”, điều chỉnh theo từng loại nền tảng riêng lẻ. Bởi lẽ, càng cố gắng kiểm soát cụ thể từng loại nền tảng thì các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ sẽ khó khăn nếu muốn gia nhập thị trường
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, với sự phát triển bùng nổ của TMĐT, hoạt động gian lận thương mại trên các sàn TMĐT cũng tăng nhanh chóng cả về quy mô và số vụ. Trong thời gian gần đây, có không ít mạng xã hội, ứng dụng TMĐT đang bị các đối tượng lợi dụng những kẽ hở trong quy định pháp luật và quản lý của các cơ quan chức năng để buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả.
Phân tích kỹ hơn, ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nói thêm, sàn giao dịch TMĐT thường gặp rủi ro khi kiểm tra, giám sát, đối chiếu thông tin từ nhà cung cấp, kiểm soát chất lượng hàng hóa (hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng).
Nhà cung cấp phát sinh vấn đề khi không kiểm soát được số lượng, chất lượng hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng, các khiếu nại về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại. Người tiêu dùng có thể đối mặt với nguy cơ lừa đảo, nhận hàng kém chất lượng, thiếu hoặc không có thông tin chính xác về nhà cung cấp, rủi ro trong vấn đề thanh toán, giao nhận...
Cần luật hóa các khung khổ pháp lý hiện nay
TMĐT đang là xu thế tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động TMĐT, hoạt động của mạng xã hội đã được xây dựng chủ yếu từ năm 2013. Nhưng các quy định này không theo kịp xu thế phát triển, đến nay chỉ mang tính nguyên tắc nên đang gây không ít khó khăn trong quá trình áp dụng.
Hoạt động TMĐT ở Việt Nam hiện nay đang phát triển rất nhanh và khó phân biệt hoạt động TMĐT trên các sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT và trên các mạng xã hội bởi các nền tảng này luôn có sự cải tiến và bổ sung các chức năng tương tự nhau.
Báo cáo nghiên cứu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết xu hướng sử dụng mạng xã hội làm kênh tiếp thị, phân phối đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian trở lại đây. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, tiktok, Instagram hiện nay đều trở thành sàn TMĐT, ngoài ra còn có chế độ livestream để giới thiệu hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng.
Với việc sử dụng các nền tảng này để bán hàng, việc kiểm soát chất lượng hàng hóa cực kỳ khó khăn. Hàng loạt vụ phát hiện vi phạm, bắt giữ kho hàng lậu, hàng nhái gần đầy liên tục được phát hiện, Như kho đồ gia dụng ở Ninh Bình với trung bình 1.000 đơn/ngày, hay kho đồ mỹ phẩm quần áo ở Ba Vì với trung bình trên 3.000 đơn/ngày…
Theo đại diện Cục quản lý thị trường, khó khăn lớn nhất khi phát hiện và xử lý các vụ việc trên môi trường TMĐT là phải có sự việc rõ ràng, phải có người mua và có món hàng cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều là ảo, không có địa điểm kinh doanh, khiến lực lượng QLTT không kiểm tra được ngay. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ, nên công tác phát hiện và xử lý càng khó khăn.
Do đó, để kiểm soát có hiệu quả hàng hóa và giao dịch trên các giao dịch TMĐT, theo ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Tổng Giám đốc VCCorp thì cần làm rõ được 5 vấn đề.
Thứ nhất, phải quản lý hàng hoá đăng tải để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ hai, quản lý được quyền mạo danh.
Thứ ba, quản lý thuế của người bán bởi nếu không quản được thì sẽ nảy sinh vấn đề khó cạnh tranh giá cả.
Thứ tư là, làm thế nào để xử lý và gỡ được tin xấu, thậm chí khi cần có thể trích xuất được “lý lịch” người bán cũng như người mua - quản lý data.
Thứ năm, quản lý được nghĩa vụ thuế đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội.
Về dài lâu, theo ông Trần Đăng Quang – Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), không nên quản lý hoạt động TMĐT theo kiểu “manh mún”, điều chỉnh theo từng loại nền tảng riêng lẻ.
Bởi lẽ, càng cố gắng kiểm soát cụ thể từng loại nền tảng thì các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn gia nhập thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn với tiềm lực và kinh nghiệm có thể có nhiều cách để đáp ứng với các điều kiện nghiêm ngặt mà pháp luật đặt ra.