Công an Hà Nội:

Đa số thuốc lá xì gà trên thị trường là hàng giả

Theo vietnamplus.vn

Thông tin tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, ông Thành Kiên Trung, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) khẳng định, đa số xì gà được bày bán trên thị trường đều là hàng giả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo ông Trung cho biết, nguồn thẩm lậu chủ yếu hiện nay đều từ Trung Quốc, trong khi là nước xuất khẩu chủ yếu ​nhưng việc mua thuốc lá xìgà tại Cuba cũng rất khó khăn.

Thêm vào đó, hãng Cohiba (nhà sản xuất xìgà ​Cuba) lại không sản xuất phụ kiện nhưng tại thị trường Việt Nam lại bày bán rất nhiều do vậy 100% những phụ kiện bày bán ở Việt Nam đều là hàng giả.

Tuy nhiên, đây lại là mặt hàng siêu lợi nhuận nên ​công tác chống thuốc lá lậu hết sức khó khăn, đại diện PC46 ​cho rằng​nhiều cơ sở kinh doanh bất chấp pháp luật để buôn bán kiếm lời, thậm chí là kinh doanh các loại thuốc lá giả các nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng gây mất ổn định thị trường.

"Mặc dù thuốc lá điếu nhập lậu thuộc danh mục hàng cấm nhưng tình trạng buôn lậu ​mặt hàng này vẫn diễn biến phức tạp, gây hậu quả xấu đối với nền kinh tế, nhà nước bị thất thu thuế, doanh nghiệp sản xuất trong nước bị thiệt hại, người tiêu dùng bị ảnh hưởng về sức khỏe do dùng thuốc lá lậu không rõ nguồn gốc," ông Trung nói.

Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã truy tố hơn 100 vụ buôn lậu, với số tiền xử phạt lên đến 1.456 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội) cũng chỉ ra một số tồn tại trong công tác phòng chống buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng.

Theo đó, các vụ việc xử lý có tính chất đường dây, ổ nhóm vẫn chưa nhiều, đặc biệt là hiệu quả một số vụ việc chưa cao, chưa tương xứng với vai trò và trách nhiệm được giao.

Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị đôi lúc còn thiếu đồng bộ, quyết liệt và kịp thời ở một số vụ việc và thời điểm do vậy đã làm giảm hiệu quả công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng.

Do vậy, để kéo giảm buôn lậu thời gian tới, ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, ông Chu Xuân Kiên cũng đề nghị Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cần tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường Thủ đô.

Đặc biệt là tiếp tục tổ chức cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.

"​Các ngành và quận, huyện cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trưởng ban 389 quốc gia trong việc quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu trên địa bàn quản lý xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nghiêm trọng, kéo dài," ông Chu Xuân Kiên nói.