Giải pháp nâng cao hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái
Nhiều vụ việc hàng giả, hàng nhái lớn bị phanh phui, phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây cho thấy, quy mô, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi và trắng trợn. Tình hình này, đặt ra yêu cầu cần thiết phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý chống hàng giả, hàng nhái nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp hiệu quả trước xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Hàng giả, hàng nhái đang có xu hướng gia tăng
Những vụ việc hàng giả, hàng nhái bị phát hiện, xử lý trong gần đây cho thấy, quy mô sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái có xu hướng gia tăng với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, trắng trợn hơn. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho biết, năm 2014 đã phát hiện, xử lý 665 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó khởi tố 120 vụ.
Ngoài ra, đơn vị đã tiếp nhận cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng khác như hải quan, quản lý thị trường… xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389), trong cả năm 2014, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 21.645 vụ hàng giả.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 55.234 vụ vi phạm, tăng 6.543 vụ so với cùng kỳ năm trước. Hàng giả, hàng nhái có mặt ở Việt Nam bằng nhiều con đường. Trong số đó, có khoảng 40% hàng giả, hàng nhái sản xuất ở Việt Nam, tập trung nhiều ở các tuyến biên giới; còn lại được đưa vào từ nước ngoài.
Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho hay, hiện đã có tới trên 30 ngành hàng ở Việt Nam bị làm giả. Hàng giả, hàng nhái khá đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại và linh hoạt về giá cả. Chúng xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ các sản phẩm uy tín trong nước cho đến những mặt hàng xa xỉ của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Các sản phẩm bị làm giả phổ biến và nhanh nhất là mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống (rượu, bia, nước giải khát), quần áo, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị vệ sinh… Thậm chí, “tem chống hàng giả” cũng bị làm giả.
Đáng chú ý, số vụ vi phạm ngày càng nhanh và có quy mô ngày càng lớn. Hiệp hội VATAP còn cho biết, trước đây khi nhãn hàng ra đời thì gần 1 năm sau mới xuất hiện sản phẩm nhái và giả; nhưng nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện trên thị trường chỉ sau thời gian rất ngắn sau đó. Chúng còn được giới thiệu, giao dịch công khai trên các sàn thương mại điện tử, các website mua bán trực tuyến hay các diễn đàn online mà không phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng…
Theo phân tích của giới chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần lớn do sự bất cập trong cơ chế quản lý. Hoạt động quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Mặt khác, luật pháp còn khá nhiều kẽ hở đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lách luật, thậm chí là “xé rào” để làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, nhất là phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả…
Ngoài ra, còn do người tiêu dùng chưa trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm này do chưa nắm vững luật pháp. Hơn nữa, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất.
Hàng giả, hàng nhái có xu hướng gia tăng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội và là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng; để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa
Bởi với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, triệt đường phát triển của các doanh nghiệp nội và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bối cảnh này, đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái phải thực sự đi vào thực chất... Có như vậy mới có thể bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp hiệu quả cũng như tạo dựng một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.
Giải pháp nâng cao hoạt động chống hàng giả, hàng nhái
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng khá khó khăn, phức tạp, khó có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”. Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Trước hết, bên cạnh những giải pháp thực tế như: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt.
Hiện nay, tuy đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chủ yếu tập trung vào chống, nhất là chống trong khâu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái mà chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái…
Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Sự liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái và phải nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân và xã hội.
Hy vọng những giải pháp trên sẽ phần nào giúp cho cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng đạt hiệu quả cao hơn; thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất kinh doanh chân chính; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng…
Tài liệu tham khảo:
1. Báo Nhân dân, Hoàn thiện hành lang pháp lý chống hàng giả, hàng nhái;
2. Báo Thương hiệu và Công luận, Gian nan cuộc chiến chống hàng giả;
3. Các website: tapchitaichinh.vn, bizlive.vn, nhipsongthoidai.com.vn, vcci.com.vn…