Hải quan Lạng Sơn:

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động tội phạm rửa tiền

Theo Giang Nam/bcd389.gov.vn

Theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, trong năm 2017, công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đã được Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tổ chức triển khai thực hiện theo đúng hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Các mặt công tác đã được triển khai đồng bộ, toàn diện nên trong công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đã được những kết quả tích cực.

Hoạt động XNK qua cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn. Ảnh: M.Hùng
Hoạt động XNK qua cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn. Ảnh: M.Hùng
Theo số liệu của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 16/12/2017, các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng phát hiện, bắt giữ 3 vụ liên quan đến tội phạm rửa tiền và các loại tội phạm liên quan đến tiền, ngoại tệ giả, vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới.
Cụ thể: Chi cục Hải quan Cốc Nam chủ trì bắt giữ 1 vụ với 1 đối tượng có hành vi vi phạm vận chuyển tiền Trung Quốc (nhân dân tệ) trái phép với tổng giá trị tang vật vi phạm: 960.000 NDT (tương đương 3.225.000.000 đồng). Đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.

Chi cục Hải quan Cốc Nam tham gia phối hợp với Phòng PC45-Công an tỉnh Lạng Sơn (chủ trì) bắt giữ 2 vụ vận chuyển tiền Việt Nam giả: Ngày 21/12/2016 bắt giữ 1vụ/1 đối tượng: Phạm Thành Trung vận chuyển 136.200.000 đồng Việt Nam giả, (loại mệnh giá 200.000đ = 496 tờ + loại mệnh giá 500.000 đồng = 74 tờ). Hồ sơ vụ việc, tang vật và đối tượng được chuyển giao Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn xử lý theo quy định; Ngày 21/12/2016 bắt giữ 01 vụ/01 đối tượng: Đỗ Trọng Thủy vận chuyển 99.200.000 đồng Việt Nam giả, (loại mệnh giá 200.000đ = 496 tờ). Hồ sơ vụ việc, tang vật và đối tượng được chuyển giao Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn xử lý theo quy định.

Theo nhận định của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, tội phạm rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tôi mà có, tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác. Hiện nay có rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu qua các của khẩu thuộc địa bàn hoạt động của Hải quan tỉnh Lạng Sơn với đa dạng các loại hình kinh doanh khác nhau. Theo đó lượng tiền được chuyển từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn.

Để điều tra, xác minh phân biệt nguồn gốc số tiền này là tiền hợp pháp hay nguồn tiền do phạm tội mà có là rất khó khăn, liên quan đến nhiều ngành, trong đó kinh nghiệm và khả năng của cán bộ, công chức hải quan trong việc nhận biết, đánh giá dấu hiệu của loại tội phạm rửa tiền còn có những hạn chế nhất định nên hiệu quả chưa cao.

Trước nhận định trên, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị Hải quan thuộc và trực thuộc quán triệt và thực hiện tổ chức nghiêm túc kế hoạch hành động Quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020 theo quyết định số 2122/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ; Các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020.

Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã ban hành kế hoạch số 914/KH-HQLS ngày 15/5/2012 về việc phòng chống rửa tiền giai đoạn 2012-2015; Kế hoạch số 10/KH-HQLS (MẬT) ngày 06/02/2017 Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống khủng bố năm 2017 để thực hiện Kế hoạch số 21/KH-BCĐ (TỐI MẬT) ngày 19/01/2017 của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh Lạng Sơn.

Đồng thời ban hành các văn bản để chỉ đạo các Chi cục Hải quan Cửa khẩu, Đội kiểm soát Hải quan thường xuyên thực hiện tốt công tác sưu tra; Xây dựng cơ sở bí mật, tuần tra kiểm soát, công tác thu thập thông tin, quản lý rủi ro, điều tra xác minh nắm chắc diễn biến tình hình tội phạm rửa tiền, vận chuyển tiền trái phép qua biên giới và các hành vi vi phạm khác có dấu hiệu của tội phạm rửa tiền, nguồn tiền tài trợ khủng bố và các đối tượng nghi vấn.

Quản lý chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, người, phương tiện XNC, chú trọng người nước ngoài, người thường xuyên qua lại biên giới và các đối tượng khác có dấu hiệu nghi vấn mang theo tiền với số lượng lớn nhằm mục đích rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố. Phát hiện và xử lý kịp thời  các hành vi vận chuyển tiền trái  phép qua biên giới.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức như bảng điện tử, pa nô, áp phích tại các Chi cục, nơi các doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, nơi làm thủ tục cho hành khách xuất nhập cảnh về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan trong công tác phòng chống rửa tiền; Tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp về việc phối hợp với cơ quan Hải quan trong quá trình điều tra, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm; Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nhất là các huyện, xã, thị trấn biên giới để tuyên truyền, vận động nhân dân, cư dân biên giới tham gia phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội rửa tiền, nguồn tiền tài trợ cho khủng bố và các đối tượng nghi vấn.