Một số giải pháp siết chặt hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 4/2017

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh đa cấp diễn ra phức tạp, gây ra không ít thiệt hại cho người dân và hệ lụy cho xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã bị cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, xử phạt và thu hồi giấy phép kinh doanh. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp theo đó đã giảm rõ rệt so với nhiều năm trước. Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh này phát triển lành mạnh, bền vững, thực sự đóng góp cho nền kinh tế còn rất nhiều việc phải làm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực trạng hoạt động kinh doanh đa cấp

Báo cáo về tình hình kinh doanh bán hàng đa cấp trong năm 2016 của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, giai đoạn cuối 2015 đến đầu năm 2016, có 67 doanh nghiệp (DN) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đến cuối tháng 3/2017, số lượng DN bán hàng đa cấp đã giảm 30 DN, trong đó có 15 DN bị thu hồi giấy chứng nhận, 12 DN chủ động chấm dứt hoạt động và 03 DN tạm ngừng hoạt động. Như vậy, đến nay chỉ còn 37 DN, giảm 45% so với cuối năm 2015.

Tính đến cuối năm 2016, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp là 637.637 người, giảm 212.363 người (25%) so với cuối năm 2015. Số lượng DN bán hàng đa cấp giảm mạnh trong năm 2016 (giảm 45%) nhưng doanh thu toàn Ngành chỉ giảm khoảng 200 tỷ đồng (khoảng 2,5%).

Tuy nhiên, trong năm 2016 có tới 18/37 DN (trên 50%) báo cáo lỗ. Tổng doanh thu bán hàng đa cấp năm 2016 đạt khoảng 7.800 tỷ đồng, giảm khoảng 200 tỷ đồng so với năm 2015 (giảm 2,5%). Doanh thu bán hàng đa cấp chủ yếu đến từ Thực phẩm chức năng (59%) và Mỹ phẩm (24%), tiếp đó là Đồ gia dụng chiếm 6,6%, Quần áo thời trang chiếm 2%; Thiết bị chiếm 0,5%; Còn lại 8,2% là các mặt hàng khác. Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế mà các DN bán hàng đa cấp đã chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 31% tổng doanh thu toàn Ngành.

Lợi nhuận sau thuế của ngành kinh doanh đa cấp chỉ đạt 177 tỷ đồng, tương ứng 2,2% doanh thu. Trong tổng số 37 DN thực hiện báo cáo, chỉ có 11 DN đạt lợi nhuận dương. Một số DN có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế rất thấp (chỉ đạt từ 0,5% đến 3,8%). Tổng số thuế đã nộp về ngân sách nhà nước trong năm 2016 ước đạt 881 tỷ đồng.

Những vấn đề tồn tại

Thực tế, hoạt động kinh doanh đa cấp hiện có nhiều tồn tại, cụ thể như:

- Hoạt động đa cấp đang ngày càng lan rộng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa song công tác quản lý còn nhiều bất cập và nhận thức của người dân cũng còn hạn chế. Trong khi đó, các DN đa cấp lại đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh, không cần trình độ bằng cấp, làm ít hưởng nhiều… khiến nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp. Chính sự lỏng lẻo trong các quy định về bán hàng đa cấp và chế tài xử phạt còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đã khiến cho các DN lợi dụng khe hở trục lợi bất chính; đồng thời, gây khó khăn cho công tác quản lý ở các địa phương.

- Hiệu quả hoạt động của các DN kinh doanh đa cấp là rất thấp, đóng góp cho ngân sách nhà nước không đáng kể. Thống kê của Cục Quản lý Cạnh tranh cho thấy, năm 2016 có tới 18/37 DN (trên 50%) báo cáo lỗ. Một số DN có doanh thu rất cao nhưng tỷ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu rất nhỏ.

- Đóng góp của các DN bán hàng đa cấp trong việc tạo ra thu nhập và việc làm là không rõ ràng. Cụ thể, tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp đạt khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy lớn về giá trị tuyệt đối nhưng nếu chia đều cho gần 640 ngàn người tham gia hệ thống, thu nhập bình quân của người tham gia bán hàng đa chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm.

- Sản phẩm của hoạt động đa cấp chưa phong phú. Hiện nay, hoạt động bán hàng đa cấp chủ yếu dựa vào thực phẩm chức năng và mỹ phẩm (chiếm 83% doanh thu, trong đó thực phẩm chức năng chiếm tới 59%). Tuy nhiên, đây là những mặt hàng rất khó xác định giá trị thật và vì vậy, rất dễ xảy ra tình trạng giá bán hoàn toàn thoát ly giá trị cũng như giá trị sử dụng.

Kiến nghị và đề xuất giải pháp xử lý

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã chủ động đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm hoạt động bán hàng đa cấp vi phạm pháp luật trên toàn quốc nhằm hạn chế các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường quản lý bán hàng đa cấp nhằm nâng cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với bán hàng đa cấp. Để tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:

- Các cơ quan liên quan cần rà soát lại các quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đặc biệt, cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về xử lý hình sự đối với hoạt động của các DN sử dụng mô hình đa cấp để kinh doanh trái phép.

- Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các DN chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; về việc đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của DN đã được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm, các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về các sản phẩm được phép kinh doanh...

Kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép… trên phạm vi cả nước, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

- Công khai thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về kết quả thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn toàn quốc; Tuân thủ các quy định về xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của DN bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 29, Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014; Phong tỏa tài khoản, kịp thời ngăn chặn tổ chức, cá nhân liên quan tẩu tán tài sản, tạo thuận lợi cho công tác điều tra, xử lý và thu hồi tài sản phạm tội trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

- Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Thời gian qua, cơ quan báo chí, truyền thông đã tích cực đưa tin phản ánh về các vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp và nâng cao ý thức cảnh giác và nhận thức của người dân về các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

- Chủ động thông tin, tuyên truyền, phổ biến về những thủ đoạn lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trách nhiệm của DN và người tham gia bán hàng đa cấp. Niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng, để người dân có thể phản ánh kịp thời các dấu hiệu vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp và các trường hợp kinh doanh đa cấp trái phép...      

Tài liệu tham khảo:

1.  Chính phủ (2014), Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;

2.  Thủ tướng Chính phủ (2016), Chỉ thị 30/CT-TTg về tăng cường quản lý bán hàng đa cấp;

3. Bộ Công Thương (2017), Báo cáo về tình hình kinh doanh bán hàng đa cấp trong năm 2016;

4. Một số website: moit.gov.vn, vca.gov.vn, baocongthuong.com.vn…