Tác động khôn lường của tội phạm rửa tiền đối với nền kinh tế

PV.

Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm trên thế giới hiện nay với nhiều thủ đoạn tinh vi và hình thức phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm trên thế giới hiện nay.
Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm trên thế giới hiện nay.

Rửa tiền có thể được hiểu một cách đơn giản là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc của các tài sản do phạm tội mà có. Thông qua hành vi rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản có nguồn gốc từ hành vi vi pham pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp.

Trên thế giới hiện nay, rửa tiền hàng ngày đang ảnh hưởng đến từng chủ thể trong nền kinh tế và trở nên mối lo ngại của hầu hết các quốc gia. Tội phạm rửa tiền không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính hàng đầu thế giới mà ngay cả các quốc gia đang trong quá trình hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế cũng không tránh khỏi. Đặc biệt,các nền kinh tế mới nổi rất dễ trở thành mục tiêu của tội phạm rửa tiền.  

Đối với Việt Nam, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng cộng thêm đặc thù giao dịch tài chính ở nước ta chủ yếu là tiền mặt là những yếu tố hình thành nguy cơ cho tội phạm rửa tiền hoành hành. Không những thế, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động rửa tiền cũng ngày càng khó khăn và phức tạp hơn.

Hoạt động rửa tiền được nhận định có tác động tiêu cực một cách trực tiếp đến nền kinh tế. Theo các chuyên gia, loại hình tội phạm này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia bằng những thủ đoạn tinh vi để hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm của mình - những đồng tiền bất chính một "nguồn gốc sạch sẽ", các khoản vay và các công cụ tài chính phụ thuộc vào lãi suất và tỷ giá.

Theo đó, hoạt động rửa tiền sẽ gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, từ đó dẫn đến những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam khi quan hệ thương mại với nước ngoài phụ thuộc vào ngoại tệ.

Tình trạng này sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên rất khó khăn thậm chí là lệch lạc. Đối với các tổ chức tài chính, các biến động này tác động đến khả năng sinh lời khi tham gia vào nhiều giao dịch ngoại hối.

Rửa tiền còn tác động tiêu cực đến hướng đầu tư với rủi ro cao, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tiền từ các hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ cho phát triển kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng và tỷ suất sinh lời cao, mà chỉ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào các công ty bình phong hoặc mua các loại hàng hóa xa xỉ…

Môi trường đầu tư theo đó bị mất cân bằng, khiến cho các nguồn vốn phân bổ không hợp lý, không phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế. Đồng thời, các tổ chức tài chính bình phong xuất hiện sẽ khiến mất ổn định cho hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế và khiến hoạt động của các tổ chức tài chính trong nước gặp vấn đề nghiêm trọng, có thể suy yếu.

Không những thế, hoạt động rửa tiền còn bóp méo các số liệu thống kê, làm khó khăn cho việc hoạch định chính sách và giảm hiệu quả điều tiết, hiệu quả của các công cụ tiền tệ của chính phủ. Đồng thời, tội phạm này còn gây kích thích các hành vi tội phạm kinh tế như trốn thuế, tham ô, mua bán nội gián, gian lận thương mại.

Các giao dịch ngầm từ hoạt động này làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường. Hệ thống tổ chức tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ bị suy yếu, thậm chí có thể bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm.

Như vậy, hậu quả đối với nền kinh tế do rửa tiền tạo ra là rất lớn, nó phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế, tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng không riêng cho một tổ chức riêng lẻ nào mà cho cả hệ thống kinh tế, tài chính.

Bởi vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là cần sự hợp tác, chung tay của mọi thành phần, mọi lĩnh vực trong nền kinh tế cũng như sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới để phòng, chống loại hình tội phạm nguy hiểm này.