Loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, chồng chéo, cản trở doanh nghiệp tư nhân phát triển
Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước. Để khu vực kinh tế tư nhân giải phóng nguồn lực, Nghị quyết 68-NQ/TW đã tập trung vào nhóm giải pháp cải cách thể chế, nhằm khơi thông “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, đúng với tinh thần thể chế phải đi trước.

Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Việt Nam đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, “điểm nghẽn” thể chế cần được khơi thông, tạo đột phá để đất nước vươn mình phát triển.

Đúng với tinh thần thể chế phải đi trước, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã tập trung vào lượng lớn giải pháp về cải cách thể chế. Bộ Chính trị chỉ rõ sẽ đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận một thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.
Việt Nam đang trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ từng bước minh bạch hoá, số hoá, thông minh hoá, tự động hoá, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn... nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp.
Ngay trong năm 2025, những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân sẽ được rà soát, loại bỏ. Các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính khi thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và các điều kiện kinh doanh sẽ đồng loạt cắt giảm tối thiểu 30% trong năm nay và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Các doanh nghiệp cũng sẽ được sử dụng dịch vụ công mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Đồng thời, các cơ quan nhà nước sẽ chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định và thông lệ quốc tế.
Đối với các doanh nghiệp thuộc diện phá sản sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục khi thời gian xử lý các thủ tục pháp lý được rút ngắn, phạm vi áp dụng chế tài phá sản rút gọn được mở rộng và thủ tục tố tụng trên nền tảng điện tử, cải cách cơ chế xử lý tài sản được đẩy mạnh áp dụng sau khi Luật Phá sản sắp được sửa đổi tới đây.

Tại buổi Tọa đàm “Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết số 68-NQ/TW – Những việc cần làm ngay” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/5, chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng: “Nổi lên mấy từ trong Nghị quyết số 68-NQ/TW không phải là "đơn giản", cũng không phải là "sửa đổi" mà ở đây là thể hiện rất mạnh là "bãi bỏ", "cắt giảm", có nghĩa là chúng ta phải bỏ, phải cắt đi, tức là một quy định không tốt thì không phải là chúng ta sửa để cho nó tốt hơn một chút mà quy định đấy không tốt thì bãi bỏ. Tinh thần này rất khác với trước đây và tương đồng với kinh nghiệm cải cách thể chế ở các nước.”
Cũng theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW-NQ/TW, doanh nghiệp tư nhân sẽ không bị phân biệt đối xử với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác.
Các doanh nghiệp cũng được hưởng các chính sách thuế, phí, lệ phí theo hướng bảo đảm đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế; hưởng lợi từ việc giảm thuế suất. Khu vực kinh tế tư nhân còn được đảm bảo quyền lợi với quy định Nhà nước nghiêm cấm lạm dụng quyết định hành chính, hành vi bảo hộ cục bộ của ngành, địa phương và nghiêm khắc xử lý các hành vi làm hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh.
Với các doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, tài sản ảo, tiền ảo, tài sản mã hoá, tiền mã hoá, thương mại điện tử... sẽ được hưởng lợi khi khung pháp lý cho các lĩnh vực này được hoàn thiện. Các doanh nghiệp cũng có cơ hội thử nghiệm đối với những ngành, lĩnh vực mới với cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm như trước đây.
Cùng với những cơ hội trên, các doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi trong kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn khi pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu hoàn thiện.
Nghị quyết số 68-NQ/TW-NQ/TW cũng dành sự ưu tiên đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa với những cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt; được bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu thành lập; và được hưởng các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ có chính sách ưu tiên tham gia chương trình, kế hoạch, dự án mua sắm công.
Khu vực kinh tế tư nhân còn được tăng cường vai trò trong tham gia góp ý, phản biện chính sách, bảo đảm thực chất, hiệu quả, minh bạch; hỗ trợ xây dựng và quảng bá thương hiệu; hỗ trợ giải quyết tranh chấp quốc tế.