Tháo gỡ vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả


Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp cùng Cơ quan thường trực Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) vừa tổ chức hội thảo chuyên đề về khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra thảo luận các vấn đề lớn nhằm tìm kiếm giải pháp thực hiện hiệu quả sự phối, kết hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, hàng loạt vướng mắc được chỉ ra như: Những vướng mắc liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật đối với nhóm hàng lậu, nhóm hàng cấm; Các vấn đề liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật đối với nhóm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng giả... trên không gian mạng; Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi chống buôn lậu và các quy định khác của pháp luật.

Trong quá trình triển khai hoạt động, rất nhiều khó khăn, bất cập đã được các đại biểu chỉ ra như: Văn bản pháp luật trong việc xác định yếu tố biên giới, biên giới vùng trời, biên giới lòng đất, nơi thông quan hàng hóa; yếu tố biên giới; vùng chồng lấn tranh chấp; việc xác định số lượng, định lượng, trị giá, tang vật, vật chứng để làm căn cứ xử lý...

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lực lượng chức năng gặp khó trong việc xác định số lượng, định lượng, trị giá, tang vật, vật chứng để làm căn cứ xử lý; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi chống buôn lậu và các quy định khác của pháp luật…

Cụ thể, khó khăn vướng mắc trong việc xác định yếu tố biên giới (trên đất liền, cảng, biển), hoặc việc xác định số lượng, định lượng, trị giá, tang vật, vật chứng để làm căn cứ xử lý như số lượng, định lượng được quy định cụ thể trong điều, khoản của luật, nghị định; số lượng, định lượng không quy định cụ thể trong điều, khoản của luật, nghị định; giá trị tang vật, vật chứng do hội đồng định giá xác định; tang vật, vật chứng không xác định được giá trị…

Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khác như: Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, địa bàn quản lý chồng lấn như thẩm quyền cơ quan Hải quan và Biên phòng trong việc kiểm soát phương tiện, hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Cơ chế chia sẻ thông tin, khai thác lợi thế dữ liệu thông tin sẵn có như tra cứu tàng thư, tiền án, tiền sự; giao thông định vị các phương tiện; ngân hàng các giao dịch chuyển tiền đáng ngờ; Quản lý các doanh nghiệp “ma”…

Trước thực tế đó, để nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, theo ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, mỗi địa phương, đơn vị, phải đề xuất được những giải pháp, kiến nghị cụ thể, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Trong thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các cấp, các ngành, địa phương. Đồng thời, cần có sự phân công, phân cấp, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền xử lý, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu dẫn đến buông lỏng quản lý.