Thu nộp ngân sách trên 24,8 nghìn tỷ đồng từ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại


Đó là con số vừa được công bố tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức ngày 7/1 dưới hình thức trực tuyến.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

185.000 vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý, thu nộp ngân sách trên 24,8 nghìn tỷ đồng

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình,Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, công tác phòng, chống tội phạm cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các lực lượng đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công; đã đưa ra xét xử khách quan, nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, qua đó củng cố niềm tin trong nhân dân.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo138/CP về phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2020, công tác phòng, chống tội phạm đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đặc biệt, trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra và tổ chức triệt phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma tuý... 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Ban chỉ đạo 389 quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã đạt một số kết quả tích cực, nhiều đối tượng, đường dây ổ nhóm buôn lậu đã bị triệt phá.

Theo thống kê, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 185 nghìn vụ việc vi phạm  buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước trên 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng 15,39% so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3% so với cùng kỳ), 3.502 đối tượng (tăng 49,46% so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, trong năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 24.548 vụ, bắt 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy (nhiều hơn gần 13% số vụ; hơn 9% đối tượng so cùng kỳ 2019), thu giữ 738,35 kg heroin, 3.430,8 kg ma túy tổng hợp và hơn 2 triệu viên ma túy tổng hợp.

Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, hiện nay tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, thuốc lá, gian lận thuế xuất, nhập khẩu, kinh doanh và lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng đã qua sử dụng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ “made in Việt Nam”.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo138/CP về phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; luôn xác định công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Có hình thức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm, xem xét điều chuyển bố trí công tác khác đối với người đứng đầu tại các đơn vị, địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và có cán bộ tiêu cực, tham nhũng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo138/CP theo dõi sát sao công việc và kịp thời báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng tham nhũng ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh tổ chức phòng chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm, công tác nghiệp vụ điều tra cơ bản, công tác tiếp nhận xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện các loại hình tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật để có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả đối với các loại tội phạm có tổ chức, mua bán người, xâm hại trẻ em, ma túy, tín dụng đen, sử dụng công nghệ cao, các vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, hàng giả, gian lận thương mại…

Tiếp tục nâng cao công tác phát hiện các vụ án tham nhũng, đảm bảo xử lý khách quan, đúng người, đúng pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức của Nhân dân trong phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hoàn thiện thể chế trong phòng chống tội phạm, quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, rà soát xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn bất cập, sơ hở.

Bên cạnh đó, đồng thời tiếp tục lập chuyên án đấu tranh, triệt phá các băng nhóm, đường dây tội phạm quy mô lớn, xuyên quốc gia; bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của đất nước…

Năm 2020, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 185 nghìn vụ việc vi phạm  buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách nhà nước trên 24,8 nghìn tỷ đồng (tăng 15,39% so với cùng kỳ), khởi tố 2.543 vụ (tăng 28,3% so với cùng kỳ), 3.502 đối tượng (tăng 49,46% so với cùng kỳ).