Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với tội danh trốn thuế
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh rất khốc liệt, hiện nay khá nhiều DN, tổ chức kinh tế tại Việt Nam thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật để trục lợi. Phổ biến nhất trong lĩnh vực kinh tế là hoạt động trốn thuế, kinh doanh trái phép, đầu cơ, buôn lậu. Các hoạt động này đa số là do người quản lý, người đại diện của pháp nhân thương mại thực hiện một cách có tổ chức và ngày càng tinh vi, với quy mô lớn thông qua các hoạt động chuyển giá, giao dịch liên kết.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định chế tài hình sự cho pháp nhân thương mại trong một số hành vi tội phạm được quy định tại Điều 76, trong đó có tội danh trốn thuế (Điều 200).
Theo đó, cá nhân hoặc pháp nhân thương mại có hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này, hoặc về một trong các tội quy định vi phạm theo liệt kê tại Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên cần lưu ý, theo quy định của Bộ luật, pháp nhân phi thương mại không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này, mà chỉ có pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm.
Điểm khác biệt cơ bản là pháp nhân thương mại có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và chia cho các thành viên; còn pháp nhân phi thương mại không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không phân chia cho các thành viên.
Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, DN xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. Cũng cần đặc biệt lưu ý, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự, không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Tuy nhiên, pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, thì hành vi của công dân Việt Nam hoặc pháp nhân thương mại Việt Nam thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam mà Bộ luật này quy định là tội phạm, thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam.
Do vậy, đối với cá nhân, pháp nhân thương mại Việt Nam có hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết ở nước ngoài, không chỉ phải tuân thủ pháp luật nước sở tại, mà còn phải đồng thời tuân thủ pháp luật Việt Nam để tránh rủi ro pháp lý có thể xảy ra.
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định về hành vi vi phạm pháp luật thuế đã liệt kê hành vi trốn thuế và gian lận thuế. Hai hành vi này có những điểm tương đồng, nhưng không thể là một. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là trong luật, nghị định và thông tư hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính thuế lại không có khái niệm hoặc định nghĩa nào phân biệt sự khác biệt của hai hành vi này.
Vì vậy, rất cần cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sớm đưa ra văn bản quy định để nhận biết sự khác biệt, tránh oan sai trong việc xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Bởi theo Bộ luật Hình sự, chỉ có hành vi nào quy định là tội phạm thì mới bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, không thể có việc truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi gian lận thuế