Quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo: Phức tạp vấn đề pháp lý

PV.

Tại Hội thảo “Tài sản ảo, tiền ảo: Kinh nghiệm quốc tế và các vấn đề pháp lý đặt ra cho Việt Nam” được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/9, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, số hóa, tài chính, blockchain… đến từ nhiều nước đã thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo.

Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo. Nguồn: Internet
Kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng khung pháp lý để quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo. Nguồn: Internet
Tính đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam, khái niệm về tài sản ảo, tiền ảo chưa được nêu trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào. Mặc dù tài sản ảo, tiền ảo đang được giao dịch phổ biến, nhiều người tham gia nhưng chủ yếu mang tính chất đầu cơ, xuất hiện nhiều tổ chức cá nhân lập các máy đào tiền ảo, cũng đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo gây mất trật tự, an toàn trong xã hội.
Những người tham gia đào tiền ảo, đầu tư chơi tiền ảo đang dần tháo chạy khỏi thị trường tiền ảo. Vào cuối năm 2017 giá 1 đồng bitcoin lên đến 20.000 USD, nhưng đến thời điểm hiện tại giá 1 bitcoin chỉ còn 6.000-7.000 USD. Nhiều sàn giao dịch tiền ảo lớn như Bitrex, Coinbase, Bitfinex… trước đây có rất đông người Việt tham gia nhưng nay còn lại rất ít. Nhưng vấn đề quan trọng nhất không phải là giá trị thị trường lên xuống ra sao, mà chính là con sóng lên xuống đó đã cuốn theo nhiều nạn nhân chạy theo nó.

Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết, gần đây một số ngân hàng thương mại đã gửi thông báo đến khách hàng về việc không thực hiện các giao dịch tiền ảo. Điều này nhằm thực hiện chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Những giao dịch liên quan đến tiền ảo, Bitcoin… có thể được phát hiện thông qua nghiệp vụ chuyên môn của bộ phận chống rửa tiền, quản lý rủi ro của từng ngân hàng. Dù vậy, việc kiểm soát phát hiện, ngăn chặn và rà soát, báo cáo giao dịch tiền ảo vẫn gặp khó khăn.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, cũng giống như nhiều quốc gia khác, khung pháp luật của Việt Nam về quản lý, xử lý tiền ảo, tài sản ảo (mã hóa) còn rất sơ khai, nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực này cần được tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hướng hoàn thiện.

Nhiều chuyên gia nước ngoài cũng thừa nhận, tài sản ảo, tiền ảo là một loại hình mới, nhiều nước trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý, mà đang quản lý bằng những quy định "mềm".

Ông Kenneth Yeo, chuyên gia đến từ Singapore cho rằng: "Với một loại hình non trẻ như tiền ảo, tài sản ảo, cơ quan quản lý nên tiếp cận và đưa ra các quy định "mềm" trước khi hoàn thiện những khung pháp lý chính thức, nghiêm ngặt. Trong đó, có thể là những quy định về chống rửa tiền, trốn thuế hay nhận diện khách hàng. Đây là cách quản lý bước đầu mà chúng tôi đánh giá sẽ có lợi cho tất cả các bên bao gồm cơ quan quản lý, khách hàng hay nhà đầu tư".

Cũng theo ông Yeo, nếu nhìn một cách công bằng, các quốc gia ở châu Âu sẽ có cách quản lý mở hơn so với các nước châu Á. Thị trường tiền ảo, tài sản ảo và các sàn giao dịch liên quan đều như những "đứa trẻ", đang rất mới nên cần có những quy định mở hơn để nó phát triển, sau đó hoàn thiện, củng cố và có những quy định chặt chẽ hơn.

Ông Chionh Chye Kit, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Traceto.io, cho biết Ngân hàng Thế giới đã có những khuyến cáo với chính phủ các nước về tiền ảo, tài sản ảo. Theo ông Chionh, để xây dựng khung pháp lý cần phải cân bằng giữa việc bảo đảm sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng. Vấn đề cốt lõi được ông Chionh chỉ ra là tiền ảo, tài sản ảo là những sản phẩm đòi hỏi sự sáng tạo về mặt công nghệ số, mã hóa, do đó bên cạnh việc đưa nó vào khuôn khổ để quản lý, cần tạo điều kiện cho sự sáng tạo.

Về vấn đề này, ông Nicholas Dimitrion, Giám đốc pháp lý HybridBlcok, cho rằng các nhà làm luật cần có hướng tiếp cận hợp lý để đánh giá tác động của tiền ảo, tài sản ảo đến đời sống xã hội, nền kinh tế như thế nào. "Chính phủ cần đánh giá mặt tích cực, hạn chế của tiền ảo, từ đó đưa ra các phương án kiểm soát hoạt động phù hợp với sự sáng tạo và hạn chế rủi ro" - ông Nicholas nhấn mạnh.

Theo kinh nghiệm của các nước để xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo do nhóm chuyên gia của Bộ Tư pháp tham khảo, thì hiện thế giới có 3 xu hướng tiếp cận với tài sản ảo, tiền ảo: Thả nổi, chưa quản lý nhưng có một số khuyến cáo rủi ro; Không thừa nhận, cấm sử dụng và giao dịch; Cho phép sử dụng, giao dịch nhưng quản lý chặt chẽ trong không gian kinh doanh như các sàn giao dịch.

Trong trường hợp cho phép sử dụng, giao dịch, kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, nếu tài sản mã hóa về bản chất thỏa mãn các điều kiện như chứng khoán thì thường được quản lý như chứng khoán. Đối với tài sản mã hóa phi chứng khoán, dưới góc độ thuế thì sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch tài sản mã hóa.