Xử lý vi phạm trong thương mại điện tử: Không mạnh tay sẽ “nhờn” luật

Theo Thu Phương - Lan Anh/congthuong.vn

Kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang “thăng hoa” trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chất lượng hàng hóa buôn bán qua hình thức này lại chưa được kiểm soát tốt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Môi trường dễ bị trục lợi

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (KTS) (Bộ Công Thương) - nhìn nhận: Bên cạnh những lợi ích, hoạt động TMĐT đã xuất hiện những cá nhân, DN lợi dụng đặc thù của hình thức mua-bán online là người tiêu dùng (NTD) không được trực tiếp trải nghiệm-đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán, nên đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… gây thiệt hại cho NTD.

Theo thống kê của Cục TMĐT và KTS, tính đến ngày 16/3/2020, có khoảng 11.450 gian hàng và 26.400 sản phẩm vi phạm, số lượng các gian hàng và sản phẩm vi phạm được các sàn TMĐT xử lý, gỡ bỏ, đa số liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Kinh doanh qua mạng nở rộ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát
Kinh doanh qua mạng nở rộ trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát
 

Trước đó, năm 2019 lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cả nước đã kiểm tra 2.403 vụ, xử lý 2.213 vụ vi phạm hành chính, xử phạt hơn 16 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 41 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân- Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) - khẳng định, mỗi năm Cục tiếp nhận trên 1.500 khiếu nại, yêu cầu của NTD, trong đó trên 50% liên quan đến các giao dịch TMĐT hoặc vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các vi phạm điển hình bao gồm: Chất lượng hoàng hóa, hàng nhận được không giống với quảng cáo; thông tin sai về xuất xứ...

Theo ông Đặng Hoàng Hải, thủ đoạn hoạt động của đối tượng kinh doanh TMĐT ngày càng tinh vi: Nhiều đối tượng không có kho hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online và giao hàng với số lượng nhỏ lẻ. Có khi trên website đăng nhiều sản phẩm, nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời…

Cần “bộ lọc” bảo vệ người tiêu dùng

Trước thực trạng trên, khung pháp lý cho hoạt động TMĐT đang được Cục TMĐT và KTS hoàn thiện, theo đó có những giải pháp đẩy lùi vấn nạn tận dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Trên thực tế, hiện các trang TMĐT đăng ký hoạt động theo luật, tuy nhiên sàn giao dịch điện tử cũng giống như chợ truyền thống. Muốn kiểm tra có phải hàng giả, hàng nhái nếu không cũng cần có biện pháp như ở chợ truyền thống.

Vì vậy, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm, bao gồm: Nâng cấp, sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT để tạo hành lang pháp lý bảo vệ NTD; hợp tác chặt chẽ với hải quan và các cơ quan liên quan để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan.

Đặc biệt, ngày 28/2/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TCQLTT về việc thành lập Tổ công tác về TMĐT (Tổ 368) với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc tuân thủ các quy định pháp luật về TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân và các mô hình kinh doanh TMĐT.

Bên cạnh những giải pháp trên, ông Trần Hữu Linh- Tổng Cục trưởng Tổng cục QLcho rằng, phải tăng nặng xử phạt với các tổ chức, cá nhân vi phạm, nếu không sẽ xảy ra hiện tượng “nhờn” luật, vì mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận đạt được.

Bộ Công Thương đang triển khai chiến dịch thanh tra, kiểm tra ứng dụng TMĐT bán hàng hoặc kinh doanh trên website. Hoạt động này nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mua sắm và mạng xã hội.