Chậm tiến độ huy động tài chính hỗ trợ chống biến đổi khí hậu

X.T. (Theo Reuters)

Các nước phát triển tin rằng, đến năm 2023 có thể đạt mục tiêu hỗ trợ hơn 100 tỷ USD/năm cho các nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nghĩa là muộn hơn 3 năm so với cam kết ban đầu.

Một nhà máy điện than ở Nam Phi. (Ảnh Reuters).
Một nhà máy điện than ở Nam Phi. (Ảnh Reuters).

Theo bản kế hoạch 12 trang do Canada và Đức soạn thảo trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra ở Glasgow (Scotland), các quốc gia phát triển có thể đạt tiến bộ đáng kể vào năm 2022 và khả năng sẽ đạt mục tiêu huy động hơn 100 tỷ USD viện trợ mỗi năm vào năm 2023 cho các nước nghèo hơn trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu. 

Năm 2009, các quốc gia giàu từng cam kết sẽ huy động 100 tỷ USD mỗi năm trong vòng 5 năm kể từ 2020. Như vậy, mục tiêu này bị lùi thêm 3 năm so với cam kết ban đầu. Chủ tịch COP26 Alok Sharma nhận định, thực tế trên có thể khiến các nước đang phát triển thất vọng sâu sắc. Ông Alok Sharma cho rằng, mục đích của việc huy động tài chính theo cam kết là nhằm xây dựng lại lòng tin, do đó các quốc gia phát triển cần phải hiện thực hóa cam kết này.

Trong khi đó, các tổ chức môi trường nhận định mức huy động 100 tỷ USD/năm gần như là không đủ. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà đàm phán về khí hậu của châu Phi cho biết, các quốc gia tại châu lục này kỳ vọng nguồn tiền hỗ trợ có thể tăng gấp 10 lần lên 1.300 tỷ USD/năm vào năm 2030. Bộ trưởng Môi trường Canada Jonathan Wilkinson, đồng tác giả của bản kế hoạch trên, nhấn mạnh quy mô giảm thiểu rủi ro và thích nghi với những thách thức mà biến đổi khí hậu đặt ra đòi hỏi cần tới hàng nghìn tỷ USD để ứng phó.