Chứng khoán châu Á giảm hơn 2%, xuống đáy 2 tháng


Thị trường tài chính tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quyết định áp thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc từ Tổng thống Donald Trump.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản giảm 2,5% xuống thấp nhất 2 tháng và ghi nhận phiên giảm thứ 7 liên tiếp.

Giảm mạnh nhất khu vực là thị trường chứng khoán Hong Kong và Hàn Quốc. Trong đó, Hang Seng giảm 2,8%, tương đương mất 767 điểm, do bất ổn chính trị kéo dài. Kospi giảm 2,5%, với cổ phiếu phiếu giảm hơn 3% và cổ phiếu công nghệ giảm hơn 2%.

Một số thị trường khác cũng giảm hơn 1%, như Nhật Bản (Nikkei 225 giảm 1,7%), Australia (ASX 200 giảm 1,9%), Singapore (Straits Times giảm 1,6%).

Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite giảm 1,5 - 1,6%.

Ngoài ra, NZX 50 của New Zealand cũng mất 0,9%.

Chứng khoán châu Á giữ đà giảm, xuống thấp nhất 2 tháng. Ảnh: Reuters. 
Chứng khoán châu Á giữ đà giảm, xuống thấp nhất 2 tháng. Ảnh: Reuters. 
 

“Quyết định gây chấn động của Tổng thống Donald Trump vào cuối tuần trước được cho là sẽ tiếp tục chi phối tình hình kinh tế và các thị trường tài chính toàn cầu trong những tháng tới”, theo trưởng phòng chiến lược ngoại hối, ông Ray Attrill, tại Ngân hàng Quốc gia Australia. Cuối tuần trước, tổng thống Mỹ bất ngờ tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 1/9. 

Sau tuyên bố của ông Trump, phía Trung Quốc mới chỉ đáp lại bằng lời nói. Giới đầu tư dự báo Bắc Kinh sẽ sớm có phản ứng với đòn thuế mới của Washington giống như những lần trước.

Mặt khác, giới đầu tư cũng hạn chế mua vào với chứng khoán sau khi chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết quyết định hạ lãi suất 0,25% hôm 31/7 chỉ là một sự điều chỉnh chính sách giữa chu kỳ, chứ không phải mở đầu cho một thời kỳ nới lỏng chính sách. 

Tuần này, giới đầu tư sẽ được nghe một số nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ phát biểu. Một tâm điểm khác là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II của khối doanh nghiệp, như SoftBank, HSBC, UniCredit, ABN Amro Bank…