Chứng khoán châu Á lên cao nhất hơn 6 tuần
Giới đầu tư tiếp tục đặt cược vào chứng khoán với kỳ vọng các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đối mặt với nhiều rủi ro.
Nhờ lực đẩy từ thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương không tính Nhật Bản tăng 1,2% lên cao nhất hơn 6 tuần.
Trung Quốc - Hong Kong vẫn là thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất khu vực châu Á. Shanghai Composite và Shenzhen Component lần lượt tăng 2,4% và 1,9%. Hang Seng cũng tăng hơn 1,2%.
Nikkei 225 của Nhật tăng 0,6% sau phiên họp chính sách của ngân hàng trung ương với quyết định giữ lãi suất không đổi. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn nhấn mạnh rủi ro toàn cầu ngày càng tăng.
Ngoài ra, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,3%. ASX 200 của Australia tăng hơn 0,6%.
Thị trường chứng khoán châu Á duy trì đà tăng sau nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẵn sàng đối phó những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ và thế giới bằng việc hạ lãi suất, sớm nhất có thể vào tháng 7. Thị trường dự đoán Fed có thể hạ lãi suất 25 – 75 điểm cơ bản từ nay cho tới cuối năm 2019.
Trước đó, tương tự như Fed, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cho biết các quan chức sẵn sàng tăng cường kích thích kinh tế nếu cần thiết. Trong ngày 20/6, một số ngân hàng trung ương tại châu Á cũng sẽ họp chính sách và được kỳ vọng sẽ đưa ra kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ.
Các tài sản rủi ro bắt đầu khởi sắc từ phiên 19/6 sau khi Tổng thống Donald Trump xác nhận hai nhà lãnh đạo sẽ gặp trực tiếp tại Nhật Bản vào cuối tháng 6 bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết ông sẽ gặp mặt Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trước cuộc họp của lãnh đạo cấp cao.
Theo ông Andrew Wilson, CEO của Goldman Sachs Asset Management, việc hạ lãi suất trong năm nay là chắc chắn, nhưng thời gian, mức độ nới lỏng chính sách đều chưa rõ ràng và phần nào phụ thuộc vào quan hệ thương mại Mỹ - Trung.