Di sản dang dở của Thủ tướng Shinzo Abe

Theo Song Hy/vtc.vn

Ông Abe ấp ủ nhiều mục tiêu về chính sách kinh tế Abenomics và thay đổi hiến pháp, nhưng quyết định từ chức đột ngột mới đây khiến mọi thứ dang dở.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày 24/8, ông Shinzo Abe lập kỷ lục trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản với 2.799 ngày nắm quyền liên tiếp. Tuy nhiên, ngày 28/8, Thủ tướng Abe bất ngờ tuyên bố từ chức vì vấn đề sức khỏe. 

Ông Abe từ nhiệm để lại nhiều tiếc nuối về những dự định dang dở của chính trị gia 66 tuổi và đặt lên vai người kế nhiệm trọng trách hoàn thành nốt những kế hoạch ấp ủ. 

Abenomics bị COVID-19 làm lu mờ

Năm 2012, khi trở lại nắm quyền, Thủ tướng Abe công bố chính sách Abenomics đầy tham vọng, với 3 mũi tên quan trọng, gồm thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế thông qua tái cấu trúc. 

Abenomics đã có những thành công nhất định. Theo đó, chương trình kích cầu "bazooka" của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã thúc đẩy kinh doanh, giúp đồng Yên xuống giá, cải thiện lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản và đưa thị trường chứng khoán nước này đi lên. 

Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Shinzo Abe. (Ảnh: Reuters)

Cải cách quản trị công giúp thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu niêm yết ở Nhật Bản lên mức 31,7% trong năm 2014 từ 28% năm 2012. Tới năm 2019, con số này ở mức 29,6%. 

Abenomics cũng rất thành công trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và giữ tỷ lệ nợ công so với GDP ở mức ổn định.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, các thống kê cho thấy Abenomics đang dần mất đi tác dụng khi tăng trưởng của Nhật Bản đuối dần và xuất khẩu bị sụt giảm do nhu cầu toàn cầu yếu đi, lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Đầu năm 2020, COVID-19 như một cơn bão cuốn đi mọi thứ, thổi bay hàng loạt thành quả của Abenomics. 

Theo số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 3/8, sau khi điều chỉnh lần hai, tăng trưởng kinh tế thực của nước này trong quý I/2020 tiếp tục giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy Nhật Bản đã ở trong tình trạng suy thoái trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tuần trước, dữ liệu chính phủ cho thấy GDP của Nhật Bản giảm 7,8% trong giai đoạn từ tháng 4-6, đánh dấu mức suy giảm mạnh nhất từng xảy ra, phần lớn là do tác động của COVID-19.

Một số chuyên gia còn ví von rằng COVID-19 vừa "đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài cho Abenomics" khi nền kinh tế Nhật Bản đang lún sâu vào suy thoái. 

Khi ông Abe không còn nắm quyền, người kế nhiệm của ông sẽ phải gánh vác trọng trách vực dậy nền kinh tế. 

Theo Aljazeera, nỗi thất vọng lớn nhất với Thủ tướng Abe và nhiều nhà quan sát Nhật Bản là mũi tên thứ 3 trong Abenomics nhằm định hình lại nền kinh tế gặp khó khăn do năng suất thấp, dân số già và thị trường lao động cứng đã không bắn trúng đích. 

Abenomics đã thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu nội địa thay vì phụ thuộc vào nhu cầu của bên ngoài", chuyên gia phân tích Brian Kelly cho hay. 

Những lợi ích ngắn hạn mà Abenomics mang lại bao gồm sự bùng nổ du lịch trong nước, mức tăng trưởng nổi bật đã bị COVID-19 quét sạch. 

Cùng với đó, các khoản nợ khổng lồ của Nhật được dự đoán sẽ tiếp tục gia tăng sau các gói kích thích kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nỗ lực phục hồi kinh tế. 

“Nhật Bản đã thất bại trong việc bình thường hóa các chính sách tài khóa và tiền tệ khi nền kinh tế đang ở trong tình trạng tốt hơn. Bây giờ, chúng ta đang phải trả giá", cựu quan chức của Ngân hàng Nhật Bản Takahide Kiuchi cho biết.

Đây sẽ là những thách thức mà người tiền nhiệm của ông Abe đối mặt trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đang phải gồng mình ứng phó với COVID-19. 

Sửa đổi điều 9 Hiến pháp 

Từ năm 2012, một trong những mục tiêu ấp ủ của ông Abe là thực hiện “sứ mệnh” sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp. Điều khoản này không cho phép sử dụng chiến tranh để làm phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế liên quan đến Nhật Bản.

Trong Hiến pháp sửa đổi mà đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đề xuất, ông Abe trao lại quyền tham chiến cho nước Nhật bằng cách đưa Lực lượng Phòng vệ vào Điều 9 nhằm chấm dứt tranh cãi về tính hợp pháp của lực lượng này. Ông Abe cũng kêu gọi thành lập các lực lượng vũ trang quốc gia và chỉ định Thủ tướng là Tổng Tư lệnh.

Thủ tướng Shinzo Abe vẫn chưa thể thực hiện một trong những mục tiêu lớn nhất của mình là sửa đổi hiến pháp. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Shinzo Abe vẫn chưa thể thực hiện một trong những mục tiêu lớn nhất của mình là sửa đổi hiến pháp. (Ảnh: Reuters)

“Chúng ta phải thiết lập một vai trò hợp hiến cho Lực lượng Phòng vệ, để không còn bất kỳ chỗ trống nào cho việc tranh luận rằng họ có đứng ngoài Hiến pháp hay không”, ông Abe nói. 

Suốt những năm qua, ông Abe luôn miệt mài theo đuổi mục tiêu này. Mới đây nhất, hồi tháng 6, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết ông muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để sửa đổi Hiến pháp trước khi nhiệm kỳ của mình kết thúc. 

Tuy nhiên, dự định này trở nên dang dở với tuyên bố từ chức mới đây của ông. 

Một trong những nguyên nhân gây khó cho nỗ lực sửa đổi hiến pháp của ông Abe là cánh tả ở Nhật khăng khăng cho rằng, Điều 9 trong Hiến pháp là “bất khả xâm phạm”. Ngoài ra, những người ủng hộ Hiến pháp cũ vốn do Mỹ soạn thảo sau Thế chiến thứ hai cho rằng, đây là biểu tượng của nền dân chủ sau chiến tranh và họ không muốn thay đổi. 

Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh bởi những ký ức về Thế chiến II, họ không muốn từ bỏ chiến lược hòa bình nửa thế kỷ qua của xứ mặt trời mọc. 

Tuy nhiên, theo ông Abe, thời thế giờ đã thay đổi và hiện tại là lúc Nhật Bản cần sửa đổi bản Hiến pháp cũ, thay đổi nó để phù hợp với thời cuộc cũng như khôi phục vị thế của Nhật Bản trên thế giới.

Ông Abe coi việc sửa đổi điều 9 như “gốc rễ của quốc phòng”, giúp bảo đảm an toàn và trật tự không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên phạm vi quốc tế trong bối cảnh môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản diễn biến phức tạp. Khi Triều Tiên đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân còn Trung Quốc tăng cường các hành động khiêu khích.

Dù vậy, các cuộc thăm dò mới đây cho thấy phần đông người Nhật chưa sẵn sàng với việc thay đổi Hiến pháp. Một chính trị gia của LDP cho biết động lực cải cách hiến pháp cũng đã giảm do ảnh hưởng của đại dịch. 

Khi ông Abe không còn nắm quyền, hiện chưa rõ người kế nhiệm của ông có còn "mặn mà" với mục tiêu này hay không. Nếu có, chắc chắn chính trị gia này sẽ phải đối mặt với áp lực không nhỏ tới từ các đảng đối lập cũng như phải thuyết phục người dân Nhật tin rằng sửa đổi Hiến pháp là điều đúng đắn. 

Kiyomi Tsujimoto, nghị sĩ đảng Dân chủ Hiến pháp đối lập từng cảnh báo việc xúc tiến thay đổi Hiến pháp sẽ đặt Nhật vào tình thế như của Anh trước Brexit, hoặc nước Mỹ trước cuộc bầu cử năm 2016.