Chiến lược kích thích kinh tế Abenomics sẽ ra sao khi Thủ tướng Nhật Bản từ chức?

Theo Thanh Trần/nhadautu.vn

Chiến lược kích thích kinh tế Abenomics của ông Shinzo Abe đã bị đình trệ cũng như gặp nhiều khó khăn khi triển khai, ngay cả trước quyết định từ chức của ông vào ngày thứ Sáu vì lý do sức khỏe.

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ chức vì lý do sức khỏe.

Giới phân tích Nhật Bản cho biết, ông Shinzo Abe đã phải đối mặt với nhiều thách thức chính trị trong nỗ lực 'kéo' nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi sự trì trệ trong nhiều thập kỷ. Không chỉ vậy, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã đặt dấu chấm hết đối với chương trình cải cách "ba mũi tên" của ông Abe khi nền kinh tế chìm sâu hơn vào suy thoái, các nhà phân tích nói.

Sau khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Abe đã triển khai chính sách "ba mũi tên" của Abenomics bao gồm nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, nới lỏng tài khóa và cải cách cơ cấu, với hy vọng phục hồi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp.

Ban đầu, kế hoạch này đã có một số thành công nhất định. Chương trình kích thích khổng lồ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã củng cố niềm tin kinh doanh, giúp các hãng xuất khẩu của Nhật Bản có thêm lợi nhuận, tăng lương và tạo thêm việc làm.

Ngoài ra, việc cải cách quản trị doanh nghiệp đã giúp Nhật Bản thu hút được một lượng vốn khổng lồ từ nước ngoài. Điều này đã đẩy tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư ngoại đối với các cổ phiếu niêm yết tại Nhật Bản lên mức kỷ lục 31,7% trong năm 2014, từ mức 28% vào năm 2012. Vào năm 2019, tỷ lệ này đã nằm ở mức 29,6%.

"Chúng tôi đã có thể chấm dứt 20 năm giảm phát với ba mũi tên của Abenomics", Thủ tướng Shinzo Abe nói trong cuộc họp báo tuyên bố từ chức hôm thứ Sáu, khi được hỏi ông nghĩ gì là di sản của mình. Mặc dù vậy, ông Abe vẫn sẽ để lại khá nhiều công việc còn dang dở cho người kế nhiệm.

Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, cho biết: "Trọng tâm lúc này sẽ là phục hồi nền kinh tế và kiểm soát sự lây nhiễm của COVID-19, bất kể ai sẽ là thủ tướng tiếp theo. Đã có người nói rằng Abenomics đang có tác động tiêu cực, vì vậy tôi nghĩ trọng tâm sẽ là các đề xuất để thay đổi nó".

Nỗi thất vọng lớn nhất đối với Thủ tướng và nhiều nhà quan sát Nhật Bản đó chính là việc thất bại của những cải cách mũi tên thứ ba, vốn được tính toán để định hình lại nền kinh tế đang gặp khó khăn do năng suất thấp, dân số già nhanh và thị trường lao động cứng nhắc.

Brian Kelly, Đối tác quản lý tại Asian Century Quest, cho biết: "Abenomics đã thất bại trong việc tạo ra một môi trường trong nước có thể giúp Nhật Bản tăng trưởng cao, thay vì dựa vào nhu cầu bên ngoài".

Sự trả giá

Giờ đây, Nhật Bản đang phải trả giá khi COVID-19 đã xóa sổ hầu hết những lợi ích ngắn hạn mà Abenomics mang lại, chẳng hạn như sự bùng nổ du lịch trong nước, tăng trưởng ổn định và khả năng tạo ra thêm việc làm.

Bên cạnh đó, ông Abe chưa thể khuyến khích các công ty tăng chi tiêu, khiến doanh nghiệp Nhật Bản tích trữ được núi tiền mặt lớn. Số tiền này có thể làm bộ đệm thanh khoản để vượt qua cú sốc mà đại dịch mang lại.

Tuy nhiên, trải nghiệm lần này có thể cho các công ty một cái cớ để tiếp tục tích trữ tiền mặt thay vì chi tiêu cho các cơ hội kinh doanh mới. Điều này có thể kìm hãm sự đổi mới và đè nặng lên sự tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản - những yếu tố mà ông Abe đã tập trung giải quyết thông qua mũi tên thứ ba.

Hideo Hayakawa, thành viên cấp cao tại Tổ chức Nghiên cứu Chính sách Tokyo cho biết: "COVID-19 có thể đã trấn an các giám đốc điều hành doanh nghiệp rằng tiền mặt thực sự là vua. Tôi lo sợ rằng các công ty sẽ còn tiết kiệm hơn nữa".

Các chính sách giãn cách xã hội và các hạn chế kinh doanh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh có thể kìm hãm tăng trưởng của Nhật Bản trong dài hạn, vốn đã thấp do chậm giải quyết các vấn đề trong ngành dược phẩm, nông nghiệp và cấp phép cho lao động nước ngoài.

Theo ước tính của BOJ, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản, từng vượt quá 4% trong những năm 1980 (sau đó đã về sát 0%). Khi Abenomics mới được áp dụng, tốc độ này vẫn chỉ quanh 1%.

Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng của Vương quốc Anh tại Pantheon Macroeconomics nhận xét: "Cải cách cơ cấu, hay mũi tên thứ ba, là một sự thất bại của Abenomics. Trên thực tế, ngay cả cuộc cải cách nhập cư của chính phủ vào năm ngoái cũng không có gì đáng chú ý".

Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đã trở thành một phép thử lớn cho mục tiêu  xoay chuyển "tâm lý giảm phát" của Abenomics tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp và hộ gia đình nước này vẫn kiềm chế chi tiêu do kỳ vọng tăng trưởng GDP sẽ thấp và lương giữ nguyên.

Nền kinh tế Nhật Bản đã vấp phải một sự suy giảm kỷ lục trong quý thứ hai, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm xuống còn 507 nghìn tỷ yên (4,8 nghìn tỷ USD). Mức GDP này chỉ tương đương năm 2013 và còn kém xa so với mục tiêu 600 nghìn tỷ yên của ông Abe.

Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: "Nền kinh tế Nhật Bản có thể đã hoạt động tốt hơn sau Abenomics, nhưng chính sách này là không đủ để thay đổi tâm lý của người dân. Với sự xuất hiện của đại dịch COVID-19, chúng ta có thể sẽ thấy tốc độ tăng trưởng giảm hơn nữa. Với nhiều di sản của Abenomics bị xóa sổ, chúng tôi biết rằng giờ đây sẽ không có cây đũa thần nào có thể khắc phục được những thảm họa kinh niên của Nhật Bản".

Hơn nữa, với việc BOJ đã cạn kiệt các tài nguyên để đạt được mục tiêu lạm phát 2%, giờ đây, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với thách thức vực dậy nền kinh tế trong tình trạng khan hiếm 'đạn dược'.

Các nhà phân tích cho khối nợ khổng lồ của Nhật Bản cũng hạn chế khả năng họ chi tiêu tài khóa lớn.

"Nhật Bản đã thất bại trong việc bình thường hóa các chính sách tài khóa và tiền tệ khi nền kinh tế đang trong tình trạng tốt hơn. Và giờ đây, Nhật Bản đang phải trả giá cho điều đó", cựu thành viên hội đồng quản trị BOJ Takahide Kiuchi cho biết.