Kinh tế châu Á xấu đi vì căng thẳng thương mại

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Ngân hàng Phát triển châu Á vừa công bố Báo cáo cập nhật về Triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2019; trong đó nhận định, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển châu Á đang vẫn mạnh mẽ, nhưng triển vọng đã giảm dần và rủi ro đối với các nền kinh tế của khu vực đang tăng lên khi thương mại và đầu tư suy yếu.

Ngân hàng Phát triển châu Á vừa công bố Báo cáo cập nhật về Triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2019. Nguồn: internet
Ngân hàng Phát triển châu Á vừa công bố Báo cáo cập nhật về Triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2019. Nguồn: internet

Tăng trưởng chậm lại

Theo đó, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ở 45 quốc gia đang phát triển châu Á xuống còn 5,4% trong năm nay và 5,5% trong năm 2020; thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,9% trong năm 2018 và cũng thấp hơn lần lượt là 0,3 và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Nếu loại trừ các nền kinh tế công nghiệp hóa mới như Hồng Kông (Trung Quốc); Hàn Quốc; Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), các nền kinh tế đang phát triển còn lại ở châu Á được dự báo sẽ tăng trưởng 6,0% trong năm nay và năm tới.

Triển vọng tăng trưởng là khác nhau giữa các tiểu vùng châu Á đang phát triển. Trong khi sự chậm lại trong thương mại toàn cầu cùng với sự sụt giảm mạnh trong chu kỳ điện tử là lý do chính khiến ADB hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và các nền kinh tế mở hơn ở Đông và Đông Nam Á. Cụ thể, Báo cáo ADO 2019 cập nhật dự báo nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng với tốc độ 6,2% trong năm nay và 6,0% trong năm tới; đều thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4.

Trong khi khu vực Đông Á được dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2019 và 5,4% vào năm 2020, và Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng lần lượt 4,5% và 4,7%.

Báo cáo cũng cho biết, đầu tư yếu hơn trước cuộc tổng tuyển cử tháng 4-5 cũng như tín dụng chặt chẽ hơn đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm nay. Theo đó, kinh tế Ấn Độ được dự kiến ​​sẽ chỉ tăng trưởng 6,5% trong năm 2019 trước khi tăng tốc lên tới 7,2% vào năm 2020, thấp hơn tương ứng là 0,7 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4.

Còn khu vực Nam Á nói chung được dự báo tăng trưởng lần lượt 6,2% và 6,7% trong năm 2019 và 2020.

Với chi tiêu công kích thích nền kinh tế của Kazakhstan và Uzbekistan, tăng trưởng kinh tế của khu vực Trung Á được dự báo ở mức 4,4% trong năm nay và 4,3% trong năm tới. Trong khi đó, sự phục hồi của Papua New Guinea sau một trận động đất đang giúp thúc đẩy tăng trưởng ở tiểu vùng Thái Bình Dương lên mức 4,2% trong năm nay trước khi giảm tốc về còn 2,6% vào năm tới.

Rủi ro tăng dần

Theo ADB, việc cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực phản ánh triển vọng ảm đạm của thương mại quốc tế do căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế lớn của khu vực đang phát triển châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan.

 “Xung đột thương mại Mỹ - Trung có thể kéo dài đến năm 2020, trong khi các nền kinh tế lớn trên toàn cầu có thể chậm lại nhiều hơn chúng ta dự đoán. Ở châu Á, động lực thương mại suy yếu và đầu tư giảm là những mối quan ngại lớn”, Yasuyuki Sawada - nhà kinh tế trưởng của ADB cho biết. “Đó là tất cả những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách phải theo dõi chặt chẽ”.

Báo cáo cũng lưu ý rằng sự leo thang và mở rộng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể định hình lại chuỗi cung ứng trong khu vực. Đã có bằng chứng về chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc sang các nền kinh tế đang phát triển khác ở châu Á như Việt Nam và Bangladesh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có xu hướng tương tự.

Trong khi đó, nợ công và nợ của khu vực tư nhân đang tăng nhanh ở châu Á đang phát triển kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 với việc tỷ lệ nợ trên GDP đã tăng lên khoảng hai phần ba trong hai thập kỷ qua. Lưu ý việc tích lũy nợ nhanh chóng có thể là mối nguy đối với sự ổn định tài chính, báo cáo hối thúc các nhà hoạch định chính sách cần cảnh giác với vấn đề nợ.

Một rủi ro nữa cũng được chỉ ra là lạm phát có xu hướng tăng mạnh hơn do giá lương thực trong khu vực tăng, kể cả ở Trung Quốc vì cúm lợn châu Phi đã đẩy giá thịt tăng. Báo cáo dự đoán lạm phát của khu vực châu Á đang phát triển là 2,7% trong cả năm 2019 và 2020, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.