Ngân hàng Trung ương Nhật cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính

Theo Mai Ngọc/thoibaonganhang.vn

Trong báo cáo bán niên về Hệ thống tài chính vừa được công bố hôm thứ Ba (21/4), NHTW Nhật Bản (BOJ) cảnh báo, đại dịch coronavirus nếu kéo dài có thể gây ra một vòng phản hồi tiêu cực mà trong đó triển vọng kinh tế xấu đi sẽ đe dọa gây mất ổn định cho hệ thống tài chính Nhật Bản.

Ngân hàng Trung ương Nhật. Nguồn: internet
Ngân hàng Trung ương Nhật. Nguồn: internet

Theo BOJ, mặc dù hệ thống tài chính của Nhật Bản đang bị căng thẳng nhưng vẫn ổn định, các tổ chức tài chính vẫn cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho hoạt động kinh tế. “Tuy nhiên, nếu nền kinh tế bị suy thoái kéo dài và sâu, điều đó có thể kích hoạt sự điều chỉnh toàn diện của ngành Ngân hàng”, báo cáo nhấn mạnh. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn sẽ tác động tiêu cực đến những người vay và làm tăng các khoản nợ xấu cho các ngân hàng, từ đó làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng và hệ quả là làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế.

Nguyên nhân do trong những năm gần đây, các tổ chức tài chính Nhật Bản đã đẩy mạnh cho vay đối với các công ty có mức độ rủi ro tín dụng cao hơn với mục tiêu thu lợi suất cao hơn trong những năm lãi suất cực thấp. Các ngân hàng Nhật Bản cũng đẩy mạnh cho vay ở nước ngoài với mức độ rủi ro cao, chẳng hạn như những công ty năng lượng đang bị ảnh hưởng bởi giá dầu lao dốc, khiến bảng cân đối tài sản của họ dễ bị tổn thương trước những biến động trên thị trường toàn cầu.

Khả năng phơi nhiễm cao với những rủi ro như vậy là một trong những yếu tố mà BOJ phải tính đến khi đánh giá về mức độ bền vững của hệ thống ngân hàng Nhật Bản, đặc biệt là vì một số khoản vay có thể trở thành nợ xấu khi đại dịch gây tổn hại cho nền kinh tế.

Báo cáo cũng nhấn mạnh cảnh báo của các nhà hoạch định chính sách của BOJ về thiệt hại mà đại dịch có thể gây ra cho các ngân hàng thương mại Nhật Bản trong bối cảnh phần đông trong số này đã bị suy giảm lợi nhuận đáng kể do chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài. Theo đó, các ngân hàng thương mại Nhật Bản có thể phải chịu tổn thất từ việc nắm giữ chứng khoán do sự bán tháo trên thị trường gần đây. Tình trạng căng thẳng về đồng USD cũng có thể khiến các tổ chức tài chính Nhật Bản bị tổn thương nếu nhu cầu đồng USD tăng đột biến.

Mặc dù tình trạng căng thẳng của các thị trường đã giảm bớt phần nào nhờ sự hợp tác của các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm cả BOJ, như là đẩy mạnh các hoạt động tài trợ đồng USD. “Tuy nhiên, triển vọng thị trường rất không chắc chắn, vì vậy chúng ta cần cảnh giác với những ảnh hưởng của đại dịch coronavirus và triển vọng kinh tế toàn cầu đến thị trường”, BOJ cảnh báo.

Có thể thấy hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro, song trong khuôn khổ các gói kích thích kinh tế để chống lại đại dịch, Chính phủ Nhật vẫn kêu gọi các ngân hàng thương mại cung cấp các khoản vay không lãi suất cho các công ty nhỏ đang bị thiếu tiền mặt do doanh số sụt giảm vì dịch bệnh.

Chính phủ Nhật Bản tuần trước cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi cả nước và cam kết cung cấp các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt cho tất cả người dân để ngăn chặn dịch bệnh và đẩy lùi suy thoái kinh tế.

Để hỗ trợ nền kinh tế, BOJ cũng đã nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng trước bằng cách cam kết nâng quy mô mua tài sản rủi ro và tạo ra một chương trình cho vay mới để hỗ trợ tài chính cho các công ty nhỏ.

Chưa dừng lại ở đó, BOJ được dự kiến ​​sẽ thực hiện các bước tiếp theo để giảm bớt căng thẳng thanh khoản của công ty tại cuộc họp chính sách vào tuần tới trong bối cảnh các công ty tiếp tục tích trữ tiền mặt để bảo vệ chống lại suy thoái kinh tế kéo dài.