Triển vọng kinh tế toàn cầu cuối năm 2018

Theo Minh Đức/thoibaonganhang.vn

Mặc dù đã trải qua nửa đầu năm 2018 với nhiều biến động nhưng các tổ chức quốc tế vẫn dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ vẫn duy trì được tốc độ ổn định trong nửa cuối năm 2018.

Tranh chấp thương mại ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nguồn: Internet
Tranh chấp thương mại ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nguồn: Internet

Những tác động tiêu cực sẽ có độ trễ và kéo kinh tế toàn cầu có chiều hướng đi xuống mạnh hơn kể từ năm 2019. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 được dự báo dao động ở mức 3,1 – 3,9%, tăng nhẹ so với mức tăng trưởng của năm 2017.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng sẽ tiếp tục đến từ nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi với mức tăng trưởng năm 2018 được dự báo trên 4%, trong khi đó, các nền kinh tế phát triển sẽ ở quanh ngưỡng 2%.

Với tác động của nhiều yếu tố hỗ trợ, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ước đạt 2,8% trong năm 2018, cao hơn mức 2,3% của năm 2017. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế khu vực EU và Nhật Bản sẽ có sự điều chỉnh giảm so với năm ngoái.

Tăng trưởng kinh tế khu vực EU giảm từ mức 2,4% năm 2017 xuống còn 2,3% năm 2018 trong khi tăng trưởng kinh tế Nhật Bản lao dốc mạnh hơn từ mức 1,8% năm 2017 xuống còn 1,2% năm 2018.

Kinh tế Trung Quốc trước định hướng cải cách, sắp xếp lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng cũng được dự báo giảm tốc từ mức 6,9% năm 2017 xuống ước đạt 6,5% trong năm 2018.

Về hoạt động thương mại, theo dự báo của WTO, tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2018 ước đạt 4,4%, thấp hơn mức tăng trưởng 4,7% của năm 2017.

Các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng thương mại cả về phía xuất khẩu và nhập khẩu với mức tăng trưởng dự báo lần lượt đạt 5,4% và 4,8%. Trong khi đó, nhóm các nền kinh tế phát triển dự báo đạt mức tăng trưởng xuất khẩu là 3,8% và nhập khẩu là 4,1%.

Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2018 dự báo không thể đạt được mức tăng trưởng khả quan như giai đoạn trước, đồng thời sẽ tiếp tục ghi nhận những dịch chuyển sang các thị trường nhiều tiềm năng hơn. Dòng vốn đầu tư gián tiếp trước xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính sẽ có xu hướng đi xuống đồng thời tiếp tục dịch chuyển khỏi các thị trường mới nổi.

Lạm phát được dự báo tăng ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trong năm 2018 tuy nhiên mức tăng này vẫn nằm trong phạm vi kiểm soát. Theo Oxford Economics, lạm phát toàn cầu năm 2018 dự báo ở mức 3,1%, lạm phát của Mỹ là 1,9%, còn Eurozone là 1,2%.  Còn theo Focus Enonomics, lạm phát toàn cầu năm 2018 sẽ ở mức 2,8%, tăng nhẹ so với mức 2,7% của năm 2017.

Giá các mặt hàng năng lượng và thực phẩm trên thế giới vẫn được dự báo tăng trong năm 2018 do nhu cầu tiếp tục gia tăng. Mặc dù vậy, những rủi ro địa chính trị và những biến động trên các thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu có thể tác động khiến thị trường giá cả hàng hóa sẽ có nhiều dao động.

Bên cạnh những dự báo kém phần lạc quan như vậy, kinh tế thế giới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong những tháng còn lại của năm 2018. Trước hết, kinh tế toàn cầu dường như đã phát triển đến đỉnh chu kỳ và đang đi vào giai đoạn thoái trào, biểu hiện rõ nét là diễn biến chững lại tại các nền kinh tế phát triển.

Xu hướng thắt chặt CSTT đang trở nên rõ nét hơn tại các nền kinh tế phát triển cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định lãi suất của NHTW các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trước áp lực của dòng vốn và để bảo vệ đồng bản tệ.

Ngoài ra, lãi suất gia tăng cũng sẽ tác động đến hoạt động chi tiêu, đầu tư, tác động đến diễn biến luồng vốn cũng như các dòng chu chuyển tài chính trên toàn cầu, đồng thời đặt thế giới trước áp lực gia tăng nợ công.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng của giá cả hàng hóa mặc dù có tác động hỗ trợ cho đà phục hồi tại một số nền kinh tế đang phát triển nhưng cũng có thể sẽ tạo áp lực gia tăng lạm phát đồng thời làm ảnh hưởng đến sức mua của các hộ gia đình.

Trong khi đó, những tranh chấp thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác vẫn chưa đi đến hồi kết sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng chảy thương mại, một động lực quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian qua.

Ngoài ra, những tranh chấp này có thể còn tạo ra những dao động mạnh và không ổn định ngay trên các thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, đồng thời đẩy nhanh hơn quá trình thoái trào của chu kỳ tăng trưởng cao sau khủng hoảng.

Cuối cùng, những bất ổn địa chính trị vẫn đang có xu hướng gia tăng tại khắp nơi trên toàn cầu, đặc biệt là những bất ổn tại khu vực Trung Đông có thể sẽ tạo ra những biến động trên thị trường dầu mỏ cũng là một trở ngại không nhỏ đối với đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2018.